Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:42

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:42

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:36 ngày 15/08/2021

Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung chuyển mình với CMCN 4.0

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang mở ra thời cơ, thách thức lớn đối với các trường đại học, cao đẳng chất lượng cao. Để đổi mới Giáo dục và Đào tạo đáp ứng với các yêu cầu của xã hội, cần đổi mới chương trình và phương thức đào tạo; áp dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy; đổi mới mô hình liên kết giữa trường và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Trang KHCN ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) có cuộc trao đổi với TS. Trần Kim Quyên – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung về vai trò của đổi mới Giáo dục Nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu CMCN 4.0 bên cạnh đó là những thành tựu nghiên cứu – chuyển giao nghiên cứu khoa học của nhà trường trong thời gian qua. 
TS. Trần Kim Quyên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung
Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trò truyện.
CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Theo ông, ngành giáo dục sẽ hưởng lợi gì từ việc áp dụng những thành tựu to lớn của 4.0 vào việc nghiên cứu, giảng dạy?
TS. Trần Kim Quyên:
Như chúng ta đã biết, cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng cốt lõi là sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 lĩnh vực Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo và Tự động hóa. Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển với khả năng xử lý những dữ liệu lớn (big data), công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) và khả năng tư duy trí tuệ nhân tạo ngày càng được phát triển mạnh mẽ. Do vậy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kết hợp với các phương thức truyền đạt thông tin, trở nên vô cùng linh hoạt, đặc biệt là ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông hay trong sinh hoạt hằng ngày,… thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của nó là nhân lực có năng lực sáng tạo công nghệ. 
Theo đó, quốc gia nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế cạnh tranh toàn cầu. Các nước đang phát triển có cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu biết tiếp cận nhanh cuộc CMCN 4.0 nhưng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tận dụng tốt những lợi thế và cơ hội từ cuộc cách mạng này.
 Các lĩnh vực phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0
Có thể nói rằng, cuộc CMCN 4.0 không chỉ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội, mà thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nói chung, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung nói riêng. Chỉ tính riêng về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường trong những năm gần đây đã có những bước chuyển mình vượt bậc.
Cụ thể, CMCN 4.0 đã tác động nhiều đến hướng nghiên cứu của đội ngũ cán bộ giảng viên Nhà trường, điều đó thể hiện qua số lượng đề tài mang tính ứng dụng và có thể chuyển giao công nghệ tăng lên; nhiều đề tài áp dụng khoa học công nghệ năng lượng mới;... Qua đó, lan tỏa tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc chuyên môn, phát huy hiệu quả sử dụng công nghệ thông tin trong khối hành chính, đặc biệt là trong công tác truyền thông...
Đối với các thầy giáo, cô giáo, CMCN 4.0 tạo điều kiện nâng cao trình độ học vấn, liên tục tích lũy làm giàu tri thức, khả năng thích ứng và tính linh hoạt trong hoạt động giảng dạy và tương tác giữa thầy, trò dễ dàng hơn.
Giảng viên Nhà trường tham gia hội thi sáng tạo KH&KT tỉnh Phú Yên
Trong bối cảnh hiện nay, sự sáng tạo ra tri thức diễn ra với quy mô lớn, việc sử dụng kiến thức khoa học công nghệ làm phương tiện hỗ trợ quá trình tìm kiếm nội dung giảng dạy trở thành nhu cầu thường nhật của mỗi giảng viên. Đồng thời, việc xử lý, chuyển giao kiến thức và thông tin diễn ra hết sức nhanh chóng, rộng khắp, nhờ vào các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin. 
Do đó, đội ngũ giảng viên của Trường cũng thường xuyên “làm mới” bản thân để đáp ứng theo thời đại CMCN 4.0. Bởi nếu không dám mạnh dạn thay đổi tư duy, thay đổi cách làm thì không thể nào bắt kịp với tốc độ thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ.
Dưới tác động của CMCN 4.0, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khối các trường cao đẳng/đại học sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về cải cách và cạnh tranh mới, vậy Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo mới như thế nào, thưa ông?
TS. Trần Kim Quyên:
Hòa chung phong trào “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung là một trong 89 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lựa chọn là Trường chất lượng cao. Hiện nay, Nhà trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ngày 25/11/2019 phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Cụ thể, nhà trường đang tổ chức đào tạo 7 ngành, nghề trọng điểm, bao gồm: Cấp độ quốc tế: Cắt gọn kim loại, Điện công nghiệp, Hàn; Cấp độ ASEAN: Kỹ thuật máy lạnh & Điều hòa không khí; Cấp độ quốc gia: Công nghệ thông tin, Điện tử công nghiệp, Hướng dẫn du lịch. 
Nhà trường chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên
Trong thời gian qua, chương trình đào tạo của Nhà trường được thiết kế linh hoạt cho người học, đảm bảo kết hợp rèn luyện năng lực thực hành với trang bị kiến thức chuyên môn, bao gồm các khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành, đảm bảo thời lượng thực hành nghề chiếm từ 70% - 75% thời gian đào tạo. Đặc biệt, trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra cho mỗi ngành nghề điều có sự tham gia của doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, nhằm tăng cường sử dụng trang thiết bị từ doanh nghiệp. Đẩy mạnh kết hợp các chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia đánh giá người học.
Bên cạnh đó, việc đào tạo theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến trên thế giới để sinh viên ra trường không phải qua đào tạo lại cũng được Nhà trường chú trọng. Điển hình như áp dụng kinh nghiệm đào tạo của CHLB Đức, sinh viên học nghề có 70% thời gian thực hành tại doanh nghiệp, 30% học lý thuyết. Ngoài ra, trong chương trình đào tạo còn tăng cường đào tạo các kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, kỹ năng số, an toàn và kỷ luật lao động, 5S, kiến thức về văn hóa, xanh hóa trong học sinh sinh viên.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, Nhà trường chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin như: số hóa các nội dung bài giảng, giáo trình, bài giảng điện tử; quay các video clip làm phương tiện giảng dạy và cho HSSV tham khảo thêm trong quá trình hình hành kỹ năng; mô phỏng hóa các kỹ năng,… Trong quá trình tổ chức đào tạo của nhà trường đã hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh để tham gia đánh giá chương trình đào tạo, đánh giá người học, tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập và vào làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường. 
Thực hành ngành Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức, nhà trường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Do vậy, đẩy mạnh hợp tác đào tạo quốc tế luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. 
Trong năm học 2020 - 2021, Nhà trường đã ký kết hợp tác đào tạo với AHK - Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam về triển khai tuyển dụng việc làm sau tốt nghiệp; Đại học DongJu – Hàn Quốc về đào tạo ngành Chăm sóc sắc đẹp và tiếng Hàn; Tư vấn và hỗ trợ tư vấn chương trình việc làm tại Nhật Bản thông qua công ty AKANE,... Ngoài ra các tình nguyện viên và đại diện Tổ chức tình nguyện viên Liên hiệp quốc (UNV) đã hỗ trợ Nhà trường trong công tác đào tạo.
Vậy để rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng nguồn nhân lực với yêu cầu của thị trường lao động trong xu thế mới, Nhà trường đã có những giải pháp gì?
TS. Trần Kim Quyên:
Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp của Nhà trường đã bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả. Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn. 
Nhà trường đã triển khai tổ chức đào tạo kép trong đó doanh nghiệp đảm nhận giảng dạy 40% thời lượng của chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà trường đã và đang thỏa thuận hợp tác hơn 150 Công ty và doanh nghiệp; trong đó hợp tác toàn diện với hơn 30 doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tuyển dụng lao động sau đào tạo; phương châm đào tạo của trường luôn gắn kết với doanh nghiệp. 
Nhà trường đã chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực ra sao để đào tạo đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0, thưa ông?
TS. Trần Kim Quyên:
Nhà trường đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên đạt chuẩn chuyên môn và nghiệp vụ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chí của Trường chất lượng cao (Quy mô đào tạo; Trình độ nhà giáo; Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; Quản trị nhà trường; Trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo).
Nhà trường chú trọng đầu tư trang thiết bị phục vục công tác giảng dạy.
Hoạt động đào tạo của Nhà trường luôn hướng đến ứng dụng, thực hành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và chủ động hội nhập quốc tế. Với triết lý đào tạo “Thực học - Thực nghiệp - Chủ động hội nhập”. Hàng năm nhà trường đầu tư trang thiết bị theo Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà trường tổ chức bồi dưỡng các giảng viên giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tham gia các khóa bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trình độ từ B1 trở lên. Đảm bảo 100% giảng viên đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tối thiểu bậc 3/5.
Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực kinh tế, cũng như phối hợp với các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường.
Đặc biệt Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo của trường (thành lập năm 2018, là cơ sở GDNN có trung tâm này đầu tiên) đã tổ chức nhiều khóa TOT cho giảng viên và cán bộ lãnh đạo khu vực nam trung bộ tây nguyên; tham gia các dự án của nhiệm vụ 844 Bộ KHCN, tổ chức ươm tạo thành công 05 doanh nghiệp, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khu vực. Nhiều HSSV của trường đạt giải của tại các hội thi ý tưởng khởi nghiệp các cấp.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong học sinh, sinh viên 
Được biết thời gian qua Nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN và đã có bước phát triển vượt bậc, xin ông chia sẻ thêm về các kết quả này?
TS. Trần Kim Quyên:
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và thế giới bước vào cuộc CMCN 4.0, vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trở thành nhân tố then chốt đối với sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Từ đó, đòi hỏi Nhà trường phải thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao KH&CN, đóng vai trò chính trong mặt trận KH&CN. Đội ngũ giảng viên của Trường phải thực sự là lực lượng nòng cốt để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung luôn gắn giảng dạy với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Nhà trường đã đầu tư bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy đạt chuẩn về trình độ, đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; tất cả cho mục tiêu để đạt trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của khu vực và quốc tế. 
Nhận thức về vai trò của nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, khẳng định uy tín của nhà trường, trong những năm qua các thế hệ lãnh đạo của nhà trường không chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ đào tạo mà còn quan tâm đến các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. 
Từ quá trình thực hiện cho thấy, mỗi năm nhà trường đều có các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CBVC, học sinh - sinh viên được áp dụng trong thực tiễn. Việc đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo cũng chính là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong cuộc CNCN 4.0. 
Hệ thống khử khuẩn và đo thân nhiệt do Nhà trường nghiên cứu chế tạo
Để hoạt động NCKH của nhà trường đi vào thực tế trong năm học 2020 - 2021, cùng với việc kêu gọi, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo với tinh thần nhiệt tâm cống hiến của đội ngũ CBVC trong việc tham gia nghiên cứu khoa học với mục tiêu: “Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với phát triển giáo dục đào tạo, phục vụ sản xuất và đời sống; Ưu tiên các nghiên cứu gắn với thực tiễn, các nghiên cứu tạo ra sản phẩm ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế” Nhà trường đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Do đó các đề tài, dự án, giải pháp khoa học không ngừng nâng cao về số lượng, chất lượng.
Trong năm học 2020 - 2021 nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, các địa phương để đề xuất, đặt hàng các đề tài NCKH. Cụ thể, các công nghệ được chuyển giao bao gồm: Hệ thống sấy đa năng cho HTX Đồng Din; Buồng khử khuẩn và đo thân nhiệt tự động cho Nhà máy đường KCP Sơn Hòa; Gia công khung cơ khí máy nâng bia nhẹ cho Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ VNSTECH; Robot xử lý bề mặt dây dẫn đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang cho Tuyền tải điện Phú Yên; Nghiên cứu nâng cao chất lượng nước tẩy rửa sinh học tái chế từ rác thải thực vật và thùng rác hữu cơ,... cho các tổ chức đoàn thể của tỉnh Phú Yên, như: Tỉnh Đoàn, Hội cựu chiến binh, hội phụ nữ.
Thử nghiệm robot xử lý bề mặt dây dẫn do Truyền tải điện Phú Yên đặt hàng. 
Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp trong CBVC và HSSV nhà trường duy trì và tổ chức hàng năm, cụ thể: đào tạo khởi nghiệp cho CBVC, giáo viên các trường ĐH, CĐ toàn tỉnh; Hội thảo tuyển chọn startups để hỗ trợ truyền thông tại Phú Yên và Hội thảo giới thiệu mô hình truyền thông của startups tại Đà Nẵng; Thực hiện chương trình Ngày hội Khởi nghiệp và STEAM triển khai tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh,... Ngoài ra, Đoàn - Hội nhà trường phối hợp với công ty Tech Idea tổ chức buổi giao lưu với học sinh – sinh viên, giảng viên nhà trường nhằm trao đổi những kiến thức tổng quan về Arduino và thành lập câu lạc bộ Arduino, câu lạc bộ Robocon giúp học sinh – sinh viên có thêm sân chơi học thuật bổ ích, giúp tăng tư duy sáng tạo, hỗ trợ nhiều cho việc học tập và nghiên cứu, đặc biệt với học sinh – sinh viên khối ngành kỹ thuật. 
Vậy định hướng trong công tác giảng dạy và nghiên cứu KHCN của Nhà trường trong thời gian tới là gì ?
TS. Trần Kim Quyên:
Thời gian tới, Nhà trường tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị đào tạo để tiếp cận với chuẩn Quốc tế, Asean; hoàn thiện quy định về tổ chức mô hình đào tạo kép; đào tạo theo năng lực người học,…  Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia NCKH theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện với doanh nghiệp, địa phương trong công tác nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực triển khai các dự án, đề tài NCKH có tính ứng dụng cao giải quyết nhu cầu doanh nghiệp và địa phương, sản phảm của đề tài phải có sức lan tỏa góp phần phát triển doanh nghiệp và kinh tế xã hội của địa phương. 
Đặc biệt, chú trọng năng lực nghiên cứu liên ngành: trường đã thành lập 5 nhóm nghiên cứu chuyên sâu, 01 trung tâm khoa học công nghệ và đang triển khai các thủ tục để thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm tiến đến thương mại hóa các sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu.
Xin cảm ơn ông./.
Tìm hiều thêm thông tin về Trường tại: http://mitc.edu.vn/
Mai Anh ghi
lên đầu trang