Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 19:18

Thứ ba, 14/05/2024 | 19:18

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:56 ngày 16/08/2021

"Hồi sinh" chuỗi cung ứng - Bài 2: Hiệu quả từ kênh thương mại điện tử và mô hình bán hàng lưu động

Song song với hệ thống điểm bán hàng bình ổn, "mũi tiến công" thứ hai được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai là kênh thương mại điện tử (TMĐT) và các điểm bán hàng lưu động để giảm tải siêu thị, tăng cường nguồn cung cho thành phố.
Giao hàng không tiếp xúc - phương thức đặc biệt quan trọng
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, việc cung ứng nông sản, hàng hóa thiết yếu tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chịu áp lực rất lớn. Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp - Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt) xác định, TMĐT sẽ là phương thức giao hàng đặc biệt quan trọng nhằm vừa đảm bảo hàng hóa cho người dân, vừa hạn chế tối đa tiếp xúc. Vì vậy, Tổ công tác đặc biệt đã tăng cường chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam qua TMĐT để đảm bảo cung ứng hàng hóa mà vẫn đáp ứng các yếu tố phòng, chống dịch bệnh. Hiện, đã có nhiều sàn TMĐT (Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee, Lazada...) triển khai cung ứng hàng hóa cho khu vực.
Cụ thể, Tiki đã tăng lượng cung hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, bao gồm thực phẩm, đồ dùng chống dịch và thực phẩm khô. Đồng thời, triển khai Chương trình "Tiếp sức Sài Gòn, Tiki trao tươi ngon" để hưởng ứng Chương trình "Thực phẩm lưu động bình ổn giá" do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh khởi xướng, chung tay cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân Sài Gòn, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. Trước đó, Tiki cũng phối hợp với các đối tác cho lên sóng 5.000 combo rau, củ, quả 7kg với giá ưu đãi, kèm hỗ trợ miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 0 đồng cùng cam kết giao hàng nhanh.
Sàn TMĐT Sendo khi triển khai Chương trình "Đi chợ tại nhà" đã làm việc chặt chẽ với nhiều đơn vị cung ứng khác nhau, đảm bảo có nguồn hàng thay thế khi cần. Gần đây, Sendo chuyển sang bán hàng rau, củ theo combo để giúp khách hàng đặt một đơn mà có đủ các mặt hàng cần thiết; đối tác cung ứng cũng chủ động hơn về việc đóng gói, giao vận.
Đặc biệt, sàn TMĐT Voso và Postmart có lợi thế về logistics nên đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online kết hợp offline, đảm bảo vận chuyển tới từng khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã.

Những chuyến xe bán hàng lưu động với thực phẩm thiết yếu
Đồng thời, đội ngũ sàn TMĐT Postmart cũng tăng cường tuyên truyền người dân về cách thức mua hàng tại hàng trăm điểm bán hàng tại các bưu cục và đặt hàng trên sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn. Theo thống kê, lượng đơn hàng qua sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn đã tăng khoảng 2 lần so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT (Bộ Công Thương) - cho biết: Với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tổ chức phân phối tại các kênh truyền thống rất quan trọng. Bên cạnh đó, kênh TMĐT đang góp phần hỗ trợ kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Cục TMĐT và Kinh tế số tiếp tục cùng với các sàn TMĐT chung sức, tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kể cả đưa hàng hóa từ khu vực miền Trung, miền Bắc vào trong Nam.
Bán hàng lưu động - giải "cơn khát" hàng hóa
Mô hình điểm bán hàng lưu động là một trong những giải pháp TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện rất tốt nhằm đa dạng hóa kênh phân phối, đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Dưới sự kết nối tích cực của Bộ Công Thương với Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp và Sở Công Thương, lũy kế đến ngày 12/8 đã triển khai được 845 điểm bán lưu động với 1.330 lượt xe, được phân bổ theo nhu cầu của các quận, huyện, TP. Thủ Đức. Trong điều kiện người dân không thể đến siêu thị mua sắm vì qua nhiều chốt chặn và phải có giấy phát đi siêu thị, các chuyến hàng lưu động đã được AEON TP. Hồ Chí Minh tăng cường. Hiện, mỗi ngày, siêu thị AEON thực hiện gần 20 điểm bán hàng lưu động, đưa khoảng 50 tấn hàng thiết yếu đến với hàng nghìn hộ dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ước tính, mỗi điểm bán hàng lưu động phục vụ trung bình 200 - 300 lượt mua sắm.

Điểm bán hàng lưu động vào sâu các khu dân cư
Để tăng cường hiệu quả các điểm bán hàng lưu động, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường lượng hàng hóa cung ứng tại điểm bán nhằm phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Song song đó, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng hệ thống phân phối thực hiện bán hàng theo đăng ký trước (gói combo) tại các điểm bán hàng lưu động ở một số khu vực địa bàn thực sự khó khăn, người dân không được cung ứng hàng hóa kịp thời. Do thiếu nhân sự bán hàng, quận, huyện sẽ đăng ký và tổ chức cho tiểu thương đứng ra nhận và bán. Địa điểm, thời gian hoạt động cụ thể của các điểm bán hàng lưu động tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức được cập nhật để người dân dễ dàng tìm mua. Mô hình này nhận được sự quan tâm, vào cuộc của rất nhiều các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn thành phố như Saigon Coop, Công ty C.P Việt Nam… và đã chứng minh mang lại hiệu quả tích cực.
Các doanh nghiệp bưu điện, với lợi thế về điểm bán rộng khắp cũng tích cực vào cuộc nhằm đa dạng hóa điểm bán lưu động. Theo đó, Viettel Post có nhiều điểm cung ứng tại các quận 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng làm đầu mối để cung cấp cho Viettel Post trực tiếp liên hệ hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng hóa thiết yếu thông qua hoạt động vận chuyển, sàn TMĐT và bán hàng offline hay lưu động...
Không chỉ thành công ở TP. Hồ Chí Minh, mô hình điểm bán hàng lưu động đã lan rộng đến các địa phương khác của khu vực phía Nam. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Viettel Post cũng đang tổ chức bán hàng lưu động tại 45 điểm trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố (bán luân phiên từ 10 - 15 điểm/ngày). Hoặc, tại tỉnh An Giang, siêu thị Tứ Sơn đã liên tục tổ chức mô hình "xe bán hàng lưu động", bán các mặt hàng thiết yếu tại TP. Châu Đốc và huyện An Phú, giúp bán được hàng nghìn đơn vị hàng hóa. Bộ Công Thương đã vận động doanh nghiệp tích cực đưa hàng hóa bình ổn thị trường vào các điểm bán này. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cũng tích cực thực hiện kiểm tra nguồn hàng và niêm yết giá, đảm bảo người dân được mua hàng không bị đội giá.
Sự nỗ lực của các đơn vị ngành Công Thương, cùng sự vào cuộc đồng bộ của doanh nghiệp, địa phương đã giúp nối liền chuỗi cung ứng bị đứt gãy của TP. Hồ Chí Minh do dịch bệnh. Đến nay, nhìn chung, tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa được cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang