Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 12:14

Chủ nhật, 05/05/2024 | 12:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:50 ngày 17/08/2021

Quy trình biến vỏ dứa thành sản phẩm nước tẩy rửa đạt OCOP 4 sao

Sau 3 năm ứng dụng công nghệ Enzyme từ vỏ dứa để sản xuất các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên mang thương hiệu Fuwa3e, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH đã khẳng định chất lượng bằng nhiều chứng nhận uy tín, trong đó đã có 3 sản phẩm đạt giải OCOP (2 sản phẩm “Nước lau sàn” và “Nước giặt” xếp hạng 4 sao, 1 sản phẩm “Nước rửa chén” xếp hạng 3 sao) và phát triển hệ thống bán hàng với hơn 300 đại lý trên cả nước.
Thương hiệu Fuwa3e (Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH ) ra đời năm 2019. Chị Bùi Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty cho biết: “Trong quá trình thí nghiệm, nhận ra dứa là nguyên liệu tốt nhất để làm ra các chế phẩm tẩy rửa sinh học, đây chính là ứng dụng rất mới mẻ cho cây dứa để làm ra các sản phẩm tẩy rửa sinh học an toàn lành tính, có công dụng sạch nhẹ nhàng như các sản phẩm tẩy rửa thông thường khác. Với nguyên liệu sản xuất là vỏ dứa và các loại vỏ trái cây khác, công ty đã xử lí được một phần rác thải hữu cơ cho địa phương”.
Chia sẻ về quy trình biến vỏ dứa cây thành sản phẩm nước tẩy rửa , anh Lê Huy Hoàng, điều hành sản xuất của Fuwa3e cho biết: “Vỏ dứa sau khi thu gom sẽ được chế biến, làm sạch rồi đem ủ lên men 3 tháng, sau đó sản xuất lấy Enzyme và kết hợp với tinh dầu để sản xuất các sản phẩm như nước rửa chén, lau nhà, xịt khử mùi, nước rửa tay…”
Vỏ dứa được tách, sàng lọc kỹ càng trộn cùng đường vàng được khuấy đều trong nước để tạo dung môi ngâm ủ.
Thời gian ngâm ủ vỏ dứa trong bồn kéo dài 3 tháng. Quá trình ngâm ủ Enzyme cũng làm tỏa ra một lượng đáng kể khí O3 có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc, xua đuổi côn trùng, thanh lọc không khí, làm trong sạch nguồn nước, giúp cây cối tốt tươi… Bồn ngâm ủ được khuấy đảo và kiểm tra thường xuyên.
Sau khi vỏ dứa được ngâm ủ đủ thời gian sẽ được đem đi lọc tách bã lấy nước cốt lấy Enzyme.
Tùy theo từng loại sản phẩm mà trong quá trình ngâm vỏ dứa sẽ được kết hợp với loại quả khác như bồ hòn...
Sau khi lọc được Enzyme, sẽ bổ sung phụ liệu hữu cơ tự nhiên như dầu dừa, bột ngô…
Cuối cùng tạo ra Enzyme thành phẩm, kết hợp với các loại tinh dầu như quế, hồi, sả... tạo hương và đóng chai thành phẩm.
Đến nay, mỗi tháng thương hiệu Fuwa3e bán ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm các loại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Thanh Hóa và ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ chí Minh, Đà Nẵng… Dự kiến, trong thời gian tới, công ty sẽ đa dạng hóa sản phẩm về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe...
Chia sẻ về hành trình “chinh phục” sao OCOP, chị Bích Ngọc cho biết: Với chứng nhận OCOP, giá trị lớn nhất doanh nghiệp nhận được là sự chia sẻ, giao lưu, giao thương để các doanh nghiệp có thêm các điều kiện để tương tác, phát triển thị trường, mở rộng cũng như phát triển thương hiệu. Hiện tại chúng tôi đã có 2 sản phẩm “Nước lau sàn” và “Nước giặt” xếp hạng 4 sao, 1 sản phẩm “Nước rửa chén” xếp hạng 3 sao, chúng tôi đang phấn đấu đạt chứng nhận 5 sao.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, bà chủ của thương hiệu Fuwa3e bày tỏ: Thời gian tới sẽ đẩy mạnh tìm kiếm mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất, cũng như xúc tiến các kênh phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường rộng hơn, mang sản phẩm Việt đến người tiêu dùng với tính năng an toàn, xanh, sạch, bảo vệ môi trường, lại vừa tốt cho sức khỏe cộng đồng. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu tái chế thêm một số loại rác thải trong nông sản.
Theo Báo Thanh Hóa
lên đầu trang