Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 11:23

Thứ sáu, 17/05/2024 | 11:23

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:23 ngày 01/07/2013

Vai trò của KHCN đối với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), với đặc thù là ngành công nghiệp mang tính quốc tế cao, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại trong việc phát triển Khoa học công nghệ (KHCN) trong nước, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về KHCN với nhiều tổ chức, đối tác, công ty dầu khí nước ngoài, các viện nghiên cứu và các trường đại học của nhiều nước trên thế giới như: Nga, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

 

 

Tập đoàn cũng là thành viên tích cực của nhiều tổ chức hợp tác quốc tế song phương và đa phương như CCOP, ASCOPE, Hội địa chất dầu khí quốc tế... Thông qua quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được chuyển giao vào Việt Nam và kèm theo đó là việc đào tạo được một lực lượng cán bộ nghiên cứu KHCN có trình độ cao.

 

Con chim đầu đàn

PVN luôn là một trong những Tập đoàn kinh tế đầu tàu và có nhiều đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế đất nước, với tổng doanh thu đạt trên 110 tỷ USD, trong đó, doanh thu năm 2010 đạt 478 nghìn tỷ đồng (tương đương 24 tỷ USD), duy trì mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm, nộp ngân sách trung bình từ 28-30%/năm tổng thu ngân sách Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thu hút trên 14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam.

 

Khoa học công nghệ là cốt lõi

Cùng với doanh thu cao, hoạt động KHCN luôn được Tập đoàn xác định là nhân tố quan trọng hàng đầu, là động lực và nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của kinh tế tri thức trên thế giới hiện nay. Tập đoàn cũng có những chính sách, yêu cầu các Tổng công ty phải xây dựng lộ trình để làm chủ hoàn toàn công nghệ cao, tối đa sau 02 năm, kể từ khi nhận chuyển giao và tự bảo dưỡng, sửa chữa từng phần, tiến tới hoàn toàn các nhà máy, dây chuyền công nghệ hiện đại nhận chuyển giao công nghệ. Nhờ có chính sách này mà, tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, một trong những nhà máy có độ phức tạp cao và sử dụng nhiều công nghệ hiện đại nhất của thế giới hiện nay, chỉ chưa đầy 02 năm kể từ khi đi vào vận hành, các cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã thay thế hơn 50% vị trí của chuyên gia nước ngoài, và dự kiến đến cuối năm 2012 các kỹ sư Việt Nam sẽ đảm nhận 100% vị trí mà phải thuê chuyên gia nước ngoài. Cùng với hàng loạt các thành tựu KHCN nổi bật trong một số lĩnh vực hoạt động cốt lõi như: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, cùng với đó, ngành Dầu khí Việt Nam đang sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, kể cả các ứng dụng mới nhất của công nghệ tin học, như các phần mềm xử lý và minh giải số liệu, tài liệu địa vật lý, mô hình hoá và mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, công nghệ khai thác dầu trong đá móng...

 

Tầm nhìn chiến lược

 Bước vào giai đoạn phát triển mới (2011-2015), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang tập trung chỉ đạo thực hiện thành công Chiến lược KHCN ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025; Đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện 03 giải pháp đột phá về quản lý, phát triển nguồn nhân lực và KHCN, trong đó, giải pháp quản lý là trung tâm, giải pháp nguồn nhân lực là then chốt và giải pháp KHCN là động lực và là nền tảng cho sự phát triển. Mục tiêu các giải pháp đột phá về KHCN là: nhằm nâng cao tiềm lực và khả năng sáng tạo, giá trị gia tăng của KHCN trong sản xuất, kinh doanh, nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động và phát triển bền vững Tập đoàn theo chiều sâu, góp phần thực hiện thành công chiến lược tăng tốc, phát triển, đưa Tập đoàn trở thành Tập đoàn Dầu khí hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

 

Để thực hiện thành công chiến lược KHCN ngành Dầu khí Việt Nam, và các giải pháp đột phá về KHCN, cần đòi hỏi sự đột phá trong tư duy và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của các cấp Lãnh đạo về KHCN, lòng nhiệt huyết và đam mê nghiên cứu khoa học của nhà khoa học Dầu khí Việt Nam, đặc biệt, tại Viện Dầu khí Việt Nam, đơn vị nghiên cứu khoa học chủ chốt của Tập đoàn. Đến nay, Tập đoàn đã xây dựng 06 Chương trình hành động cụ thể, và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện các giải pháp ngắn hạn, song song với các giải pháp dài hạn, nhằm thực hiện thành công nhất Chiến lược KHCN và các giải pháp đột phá về KHCN, góp phần xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành biểu tượng Quốc gia, và hình mẫu tốt nhất của Doanh nghiệp Nhà Nước, trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức trên thế giới hiện nay.

 

Tương lai mới mở ra

Một lĩnh vực mới, đang được Tập đoàn chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển là lĩnh vực thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí và thiết bị nổi, với mục tiêu tăng dần tỷ lệ nội địa hóa tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí. Hiện nay, Tập đoàn đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ KHCN, Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia và chỉ đạo Tổng công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PVShipyard) triển khai thực hiện thành công Dự án KHCN cấp Nhà nước về “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng 90 m nước trong điều kiện Việt Nam”, nhằm hỗ trợ có hiệu quả nhất cho Dự án đầu tư đóng mới giàn khoan 90m nước của Tập đoàn, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ sư chuyên sâu về thiết kế, chế tạo, thi công giàn khoan dầu khí, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa ít nhất là 50 % từ giàn thứ hai trở đi. Những bước đi này sẽ góp phần xây dựng và phát triển ngành cơ khí trọng điểm về thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí của Việt Nam, tạo công ăn việc làm trong nước, tiết kiệm ngoại tệ, và đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, khi chúng ta tự lực đóng được những giàn khoan để khoan ở vùng nước sâu ngoài Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Trong bối cảnh toàn cầu hoá và xu thế phát triển kinh tế tri thức trên thế giới đã và đang đặt ra những thách thức và yêu cầu mới cho hoạt động KHCN của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Từ việc này, Tập đoàn đã ý thức định ra tầm nhìn chiến lược KHCN đến năm 2015, và định hướng đến năm 2025 đã chỉ ra quan điểm phát triển KHCN của ngành trong thời gian tới là: “KHCN dầu khí là nền tảng, động lực cho sự nghiệp phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam; Phát triển có hệ thống, có lộ trình cụ thể, đồng bộ; Trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng, có chú ý đúng mức đến nghiên cứu cơ bản phục vụ cho sản xuất kinh doanh và cho khoa học dầu khí; Ưu tiên phát huy nội lực, tranh thủ hợp tác quốc tế đa dạng, nhằm đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2015 và trình độ tiên tiến của thế giới trong một số lĩnh vực quan trọng từ sau năm 2025”.

 

Trên cơ sở quán triệt quan điểm, phát triển KHCN của ngành dầu khí Việt Nam đã đề ra, định hướng các mục tiêu chiến lược quan trọng trong chính sách phát triển KHCN của Tập đoàn trong thời gian tới như: Nâng cao tiềm lực KHCN của Tập đoàn, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2015 và đạt trình độ trung bình, trong đó, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của thế giới từ sau năm 2025. Tiếp thu và làm chủ công nghệ hiện đại, thuộc các lĩnh vực SXKD cốt lõi, và ngày càng có nhiều sáng tạo công nghệ, sản phẩm KHCN của riêng Tập đoàn; Cung cấp đầy đủ và kịp thời các luận cứ khoa học cho các quyết định quản lý và điều hành của Tập đoàn; Nâng cao trình độ, chất lượng, và hiệu quả của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN; Đổi mới cơ chế quản lý các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, đồng thời xây dựng các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, đánh giá hoạt động KHCN; Gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với các đơn vị sản xuất kinh doanh trong ngành, giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với ứng dụng. Tập đoàn chú trọng xây dựng và hình thành đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ chuyên môn cao, có đủ khả năng tổ chức nghiên cứu và giải quyết các nhiệm vụ KHCN của Tập đoàn ở trình độ khu vực và quốc tế; Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế hoạt động KHCN, tiếp thu có chọn lọc tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển KHCN của Tập đoàn, và đã đặt ra mục tiêu chiến lược cho từng lĩnh vực hoạt động cụ thể như: Lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, phải làm chủ các công nghệ tìm kiếm thăm dò (TKTD) và khai thác dầu khí tiên tiến, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu TKTD và khai thác của ngành Dầu khí Việt Nam; Thu gom, vận chuyển, tàng trữ, xử lý, sử dụng khí và nắm vững công nghệ tiên tiến, tiến tới làm chủ công nghệ thu gom, vận chuyển, tàng trữ, xử lý và sử dụng khí để không phụ thuộc vào tư vấn nước ngoài; Có đủ khả năng nghiên cứu và tư vấn chính xác, với đầy đủ luận cứ khoa học cho các quyết định của Tập đoàn, trong lĩnh vực chế biến dầu khí và hoá dầu, đóng góp trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN đảm nhiệm được các khâu tư vấn thiết kế, thi công các công trình dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ công trình biển; Nghiên cứu, thử nghiệm, thực nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào các công trình dầu khí, thực hiện tổng thầu xây lắp EPC cho các công trình dầu khí trong và ngoài nước.

 

Lĩnh vực an toàn sức khoẻ môi truờng dầu khí (ATSKMT) luôn được quan tâm như: Nghiên cứu, đánh giá và tiếp thu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ATSKMT đối với các dự án, công trình, hoạt động dầu khí mới triển khai; Nâng cấp hệ thống thiết bị công nghệ đang có đạt trình độ tiên tiến khu vực; Xây dựng hệ thống quản lý ATSKMT, thống nhất trong toàn ngành theo tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức quản lý ATSKMT cho mọi hoạt động dầu khí theo chuẩn mực quốc tế; Ngoài việc an toàn sức khoẻ môi trường, còn phải quan tâm tới việc nghiên cứu, tiếp thu và áp dụng có hiệu quả các biện pháp tiên tiến về phân tích hiệu quả kinh tế, và quản lý dầu khí trong các lĩnh vực hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam.

 

Kim Tuyến

lên đầu trang