Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 08/09/2024 | 00:37

Chủ nhật, 08/09/2024 | 00:37

Chính sách

Cập nhật lúc 09:17 ngày 07/10/2021

Cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo

Các chuyên gia cho rằng, cần có các cơ chế nhằm khuyến khích đẩy mạnh hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp của Việt Nam.
Các nước đầu tư cho R&D ra sao?
Theo số liệu của Viện Thống kê UNESCO (UNESCO Institute of Statistics), năm 2018, hai quốc gia đứng đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn là Hoa Kỳ (476,5 tỷ USD) và Trung Quốc (370,6 tỷ USD). Chỉ tính riêng tổng tiền của 2 nước này đã chiếm tới 47,0% tổng chi phí R&D toàn cầu. Theo sau đó là Nhật Bản và Đức với 170,5 và 109,8 tỷ USD. Cũng theo số liệu thống kê, chi phí nghiên cứu và phát triển của Việt Nam chỉ vào khoảng 1,8 tỷ USD. Trên thực tế, 10 quốc gia đứng đầu đã chiếm khoảng 80% toàn bộ số tiền đầu tư vào R&D của thế giới.
Tuy nhiên, nếu nói về việc tập trung nguồn lực để nghiên cứu và phát triển thì những quốc gia ở trên không phải là những nước đứng đầu. Nhìn vào danh sách các nước đã dành ra nhiều phần trăm ngân sách nhất cho R&D trong năm 2018 thì có thể thấy rằng các quốc gia như Hàn Quốc và Israel đang rất chú trọng vào việc đầu tư cho R&D. Số tiền họ chi ra để làm nghiên cứu và phát triển chiếm tới hơn 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Trong khi đó, một số nước có nền kinh tế lớn mạnh như Đức hay Hoa Kỳ lại chỉ đầu tư vào nghiên cứu, phát triển có 2,9% và 2,7% tổng GDP của mình. Mặc dù, việc chi tiền cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ không mang lại kết quả ngay thậm chí còn phải kéo dài cả thập kỷ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng các khoản đầu tư vào R&D là một trong những chỉ số hàng đầu để đo lường sức mạnh kinh tế. Qua số liệu năm 2018, dự kiến Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là 2 nước nắm quyền chủ đạo của kinh tế thế giới trong nhiều năm tiếp theo.
Tại Hoa Kỳ, năm 2018 nước này đã đầu tư 476,5 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tương đương khoảng 2,7% GDP và chiếm khoảng 25% R&D toàn cầu. Để khuyến khích đổi mới, chương trình công nghệ của Hoa Kỳ đã tăng ngân sách R&D liên bang và tăng ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ thông qua các cơ quan, như: Quỹ Khoa học quốc gia, Cục Bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng phân bổ kinh phí dành cho từng loại nghiên cứu, trong đó ưu tiên cho R&D.
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, Hoa Kỳ cũng thực hiện mạnh mẽ chính sách ưu đãi thuế. Chính phủ miễn, giảm thuế trên phần lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp thu được từ hoạt động ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Ngoài ra, các bộ phận nghiên cứu và thử nghiệm đều được hưởng chính sách miễn, giảm thuế này. Hoa Kỳ đã cho phép các doanh nghiệp được phép để lại 25% chi phí vượt quá mức chi tiêu trung bình cho hoạt động R&D của ba năm liền kề với năm tính thuế, nhưng không nhiều hơn 50% tổng chi phí cho R&D của năm trước thuế.
Bên cạnh chính sách thuế, Hoa Kỳ còn tiến hành tài trợ trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu của doanh nghiệp nhỏ thông qua Chương trình nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp nhỏ (SBIR). Ngoài ra, Chính phủ còn dành kinh phí hàng năm để đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, các phòng thí nghiệm quốc gia để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới.
Tại Cộng hòa liên bang Đức, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Chính phủ Đức đã sử dụng những chính sách về kinh tế, chính sách tạo môi trường thể chế và chính sách về thông tin. Đức chú trọng áp dụng mô hình gắn kết giữa hoạt động R&D với hoạt động sản xuất ở doanh nghiệp, kết hợp với mô hình hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Chính phủ Đức đã hình thành nhiều quỹ phát triển khoa học và công nghệ với chính sách cho vay linh động đối với các hoạt động R&D trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến có độ rủi ro cao. Giải pháp hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp đã được Cộng hòa Liên bang Đức triển khai dưới dạng các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho đổi mới doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thông qua Bộ Kinh tế và Công nghiệp, Chính phủ tài trợ một phần không hoàn lại cho các hoạt động R&D của các doanh nghiệp thực hiện các dự án trong danh mục quy định, đặc biệt là các dự án R&D để tạo ra các công nghệ có hàm lượng chất xám cao. Đồng thời, Chính phủ tài trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong việc thâm nhập thị trường. Chính phủ còn sử dụng chính sách tài trợ không hoàn lại tới 70% cho các dự án R&D của các viện nghiên cứu công lập ngoài doanh nghiệp, tới 45% cho các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu nhằm tạo ra công nghệ mới, nhưng không quá 375.000 Euro/dự án.
Chính phủ Đức cũng coi nhân lực khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng, nên đã dành ra ngân sách nhất định để tiến hành đào tạo và xác định hướng nghiên cứu ưu tiên trong tương lai dựa trên hoạt động dự báo công nghệ.
Doanh nghiệp thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa
Tại Nhật Bản, những doanh nghiệp có tổng vốn nhỏ hơn 100 triệu Yên, hoặc có số lao động ít hơn 1.000 người, nếu doanh nghiệp không có vốn cố định, Chính phủ cho phép để lại 6% thu nhập thuế để chi cho hoạt động R&D. Tuy nhiên, mức này không vượt quá 15% tổng giá trị thuế thu nhập của doanh nghiệp.
Chính phủ Nhật Bản có rất nhiều các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp như ưu đãi về tín dụng, thuế và tài trợ trực tiếp. Trong năm 2018, Nhật Bản đã dành khoản kinh phí 170,5 tỷ USD để đầu tư vào R&D tương đương khoảng 3,4% GDP của quốc gia này (UNESCO Institute of Statistics, 2018). Chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ bằng chính sách ưu đãi thuế đối với phần chi phí tăng thêm cho nghiên cứu ở doanh nghiệp. Số ưu đãi thuế bằng 20% giá trị của phần chi phí tăng thêm so với tổng chi phí cho hoạt động R&D của năm cao nhất trong 3 năm liền kề với năm tính toán, nhưng tổng giá trị phần tín dụng này không được phép vượt quá 10% tổng giá trị của thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Nhật Bản còn dành nguồn ngân sách lớn hàng năm để hỗ trợ cho các dự án công nghệ cao của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ bằng cách mở các khóa đào tạo tại các trường đại học, có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành.
Giải pháp nào cho Việt Nam?
Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), thời gian qua, Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo. Tiêu biểu như Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ… Tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế; Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Với sự quan tâm từ phía Nhà nước, năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những kết quả ấn tượng. Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế.
Mặc dù vậy, triển khai R&D, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế như thiếu những doanh nghiệp lớn dẫn dắt thúc đẩy phát triển hoạt động R&D, chi phí đầu tư cho R&D phần lớn đến từ ngân sách nhà nước. Qua phân tích kinh nghiệm của những quốc gia đi đầu về hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo trên thế giới, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Việt Nam như sau:
Một là, nhận thức rõ ràng vai trò quan trọng của hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước cần có những chính sách kinh tế, như: thuế, tín dụng... hỗ trợ trực tiếp, thuận lợi trong việc tiếp cận và triển khai cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc kết hợp cùng với những chính sách khác, như: tạo môi trường thể chế hay chính sách đãi ngộ, thu hút chuyên gia và nhà khoa học...cũng rất quan trọng để đạt được hiệu quả và toàn diện.
Hai là, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn hướng đến cải thiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Để có một chương trình đào tạo hiệu quả, Chính phủ cần hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, các đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp đầu ngành và các cá nhân thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cần ươm tạo ra thế hệ sáng lập viên có kiến thức nền tảng đủ bao quát, tạo bước đệm cho một chặng đường dài.
Ba là, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ đang là vấn đề rất được quan tâm để thúc đẩy đổi mới công nghệ. Vì vậy, Nhà nước nên khuyến khích thành lập, phát triển những tổ chức trung gian về tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ bằng những hình thức ưu đãi thuế hay tín dụng.
Bốn là, cần xác định rõ ràng thứ tự ưu tiên đối với từng ngành nghề cụ thể tương ứng với những giai đoạn phát triển để có định hướng phát triển khoa học và công nghệ trọng điểm. Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, cải tiến và nghiên cứu công nghệ mới.
Đầu tư cho hoạt động R&D là đầu tư mang tính chất dài hạn, rủi ro cao nhưng lợi nhuận mang lại lớn và bền vững. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải rà soát lại hoạt động của các doanh nghiệp, có các cơ chế “mồi” nhằm khuyến khích đẩy mạnh hoạt động R&D tại doanh nghiệp, cần đưa ra kế hoạch và các tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Các doanh nghiệp được lựa chọn cần phải công khai để doanh nghiệp có trách nhiệm với những khoản vốn được đầu tư. Việc đầu tư cho doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp không nên phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động tìm kiếm/giải mã và cải tiến các công nghệ của riêng mình, có thể nghiên cứu trong nước, kết hợp với các nhà khoa học để làm sao hấp thụ công nghệ tốt, phù hợp với hoạt động của mình.
Theo vietq.vn
lên đầu trang