Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 14:32

Thứ tư, 15/05/2024 | 14:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:33 ngày 14/10/2021

Hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”: Một số công trình nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường, năng lượng

Với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động vào ngày 21/9, bằng hình thức trực tuyến. Sau Lễ phát động, nhiều đơn vị, tổ chức đã hưởng ứng Chiến dịch bằng các hoạt động thiết thực để ứng xử sạch hơn với môi trường tự nhiên, hệ sinh thái.
Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" do Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993. Đến nay, Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021” diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đòi hỏi nhân loại phải sớm có những hành động cụ thể, thiết thực, thay đổi cách thức ứng xử với môi trường tự nhiên, hệ sinh thái. Với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” tập trung chính vào truyền tải thông điệp, nâng cao nhận thức của tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm với các hoạt động bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, lan tỏa, cổ vũ các hoạt động, chiến dịch ra quân trong trạng thái bình thường mới, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, những hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường được gia tăng trong cộng đồng như: Giữ gìn cây xanh, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, tiết kiệm điện năng, sử dụng các sản phẩm tái chế, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng 01 lần và túi nilong khó phân huỷ... Trọng tâm trong Chiến dịch này, các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả sẽ được giới thiệu đến người dân, thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ vào việc xử lý những vấn đề môi trường, góp phần hình thành nên kinh tế tuần hoàn tại các địa phương.
Ở lĩnh vực môi trường và năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã và đang có nhiều thế mạnh về nghiên cứu và ứng dụng, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Các nhà khoa học của Viện Công nghệ môi trường đã xây dựng được “Mô hình ứng dụng khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ” với mục đích xử lý bùn thải để sản xuất khí sinh học phát điện, sản xuất phân hữu cơ để phục vụ nông nghiệp xanh. Mô hình đã thực hiện tại một công ty sản xuất thực phẩm có nhà máy nước thải 900 m3/ngày, thải ra 20 tấn bùn hữu cơ mỗi ngày tại tỉnh Đăk Lắk.
PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh- Viện phó Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bên hệ thống công nghệ xử lý bùn thải tạo khí sinh học phát điện được lắp đặt Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – miền Trung.
Công trình “Công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ” của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hóa học và phối hợp với một doanh nghiệp thép, được đánh giá cao về khả năng ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực môi trường, an ninh quốc phòng. Các kết quả của công trình nghiên cứu sử dụng bùn đỏ để sản xuất quặng sắt và vật liệu xây dựng không nung đã mở ra triển vọng cho việc xử lý và tận dụng triệt để nguồn chất thải bùn đỏ từ các nhà máy khai thác bô-xít tại khu vực Tây Nguyên, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ quá trình khai thác và sản xuất, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của các nhà khoa học của Viện Công nghệ Môi trường phối hợp Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất được các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế, đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế, công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước. Ưu điểm vượt trội của công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta từ trước đến nay là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường cao.
Các nhà khoa học của VAST luôn nỗ lực nghiên cứu thành công những công trình khoa học có tính ứng dụng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho dân sinh, cho con người và cho môi trường. Trên thực tế, tính chất ô nhiễm của chất thải ngày càng phức tạp, tiêu chuẩn xử lý chất thải ngày càng khắt khe hơn nên đòi hỏi công nghệ và hiệu quả xử lý phải được nâng cao hơn nữa. Các đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả có khả năng ứng dụng vào thực tiễn các tỉnh Tây Nguyên như: Giải quyết vấn đề nước, ứng phó với biến đổi khí hậu; Quản lý rừng liên vùng và xuyên biên giới; Phục hồi hệ sinh thái sau khai thác khoáng sản; Đưa ra các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững... VAST đã nghiên cứu, đánh giá và xây dựng bản đồ tiềm năng năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời ở Tây Nguyên; Xác định cụ thể các khu vực có khả năng khai thác thương mại các dự án điện gió; Lựa chọn công nghệ và quy mô khai thác hợp lý nguồn năng lượng Mặt Trời, gió; Đề xuất giải pháp kĩ thuật công nghệ nhằm khắc phục tình trạng nghẽn lưới truyền tải khu vực Tây Nguyên khi đấu nối các nhà máy năng lượng tái tạo công suất lớn hơn 200MW.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một “địa hạt” tập trung nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc VAST. “Nghiên cứu giải pháp khai thác và sử dụng tài nguyên nước mưa của các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu” là một đề tài có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn lớn của Viện Địa lý tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh ở lĩnh vực khoa học Trái Đất. Các tác giả của đề tài đã xây dựng được 12 mô hình thực nghiệm cho 04 trường hợp khác nhau, qua đó cải thiện phần nào cuộc sống người dân ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những kết quả nghiên cứu có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng thực tiễn cao ở lĩnh vực môi trường, năng lượng của các nhà khoa học VAST đã góp phần vào việc giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển kinh tế cho doanh nghiệp, địa phương và vùng. Điều đó cũng khẳng định rằng, khoa học từ lâu đã “Cùng hành động để thay đổi thế giới” và “Làm cho thế giới sạch hơn”. 
Theo vast.gov.vn
lên đầu trang