Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 17:16

Thứ hai, 29/04/2024 | 17:16

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:02 ngày 10/11/2021

Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Sáng nay, 10/11, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục tổ chức Hội thảo chuyên đề 3 “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0.
Còn nhiều khó khăn
Xây dựng thành phố thông minh đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các đô thị trên thế giới. Tại Việt Nam, việc phát triển đô thị thông minh cũng có một số những thuận lợi. Theo ông Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, một trong những thuận lợi này là hạ tầng kỹ thuật số của nước ta phát triển nhanh, việc ứng dụng kỹ thuật số tương đối tốt khi cơ bản đã phủ sóng được các mạng 4G, 5G; được xếp thứ hạng khá cao về giao thông, phần mềm, chỉ số an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có ý thức về xây dựng đô thị thông minh và đã có chủ trương xuyên xuốt với việc ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, một số địa phương đã bước đầu thí điểm và ứng dụng một số giải pháp để phát triển đô thị thông minh.
TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.
Tuy nhiên, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn và hạn chế. Chỉ ra những khó khăn khi phát triển đô thị thông minh, trong bài phát biểu khai mạc của mình, TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Việt Nam, việc triển khai đô thị thông minh còn riêng lẻ, manh mún. Các đô thị thông minh chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thi, trong khi đó nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải nhìn nhận lại vấn đề trong quá trình tồn tại và phát triển, trong đó có việc xem xét lại những mô hình phát triển đô thị nói chung và mô hình đô thị thông minh nói riêng.
“Việc thảo luận, chia sẻ về chủ đề phát triển đô thị thông minh là rất cần thiết không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới”, TS. Nguyễn Thành Long nhấn mạnh
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Thành Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, để thay đổi một đô thị là rất khó, rất tốn kém và chúng ta cũng đang lúng túng không biết bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào để phát triển đô thị thông minh. Thêm vào đó, một trong những yêu cầu của phát triển đô thị thông minh là phải số hóa tất cả các dữ liệu thì Việt Nam lại chưa triển khai được nhiều. Cùng với đó là số lượng đô thị dưới chuẩn vẫn còn rất nhiều tại nhiều địa phương, khu vực.
“Để thay đổi, phát triển toàn bộ đô thị phải có chiến lược đầu tư xây dựng với chi phí hết sức tốn kém” – Thứ trưởng Lê Quang Hùng bày tỏ.
Quang cảnh hội thảo
Cần lộ trình phát triển đô thị thông minh 
Theo số liệu thống kê, đến nay, cả nước có 870 đô thị với 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I và 32 đô thị loại II. Đô thị hóa Việt Nam chỉ chiếm 40% dân số, chiếm 7,42% diện tích đất tự nhiên. Khu vực đô thị hóa đóng góp hơn 70% GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng 1,2 - 1,5% bình quân cả nước và cường độ kinh tế cao hơn nhiều bình quân cả nước.thông minh. Để triển khai Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng xác định những nhiệm vụ cụ thể của Bộ Xây dựng và khẳng định việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam cần phải có lộ trình cụ thể.
Theo đó, các nhiệm vụ cần phải thực hiện như sau: Thứ nhất, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn đô thị thông minh. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đang giao Viện Nghiên cứu quy hoạch và Thiết kế đô thị nông thôn nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đạt được tiêu chuẩn đô thị thông minh. Thứ hai, xây dựng nền tảng pháp lý, cơ sở pháp lý cho lộ trình phát triển đô thị thông minh. Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông (số hóa) về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác. Thứ tư, xây dựng quy hoạch đô thị thông minh, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS. Thứ năm, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh. Thứ sáu, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định, việc phát triển đô thị thông minh không chỉ là trách nhiệm của cơ quan trung ương, mà còn cần sự hợp tác, chủ động của các chính quyền đô thị, đối tác và cần phải được cụ thể hóa trên cơ sở các kế hoạch thực hiện, hợp tác cùng thúc đẩy. Quy hoạch và quản lý thông minh là nền tảng của phát triển đô thị thông minh. Trước mắt, việc áp dụng đô thị thông minh cần được trở thành ưu tiên trong phát triển các khu đô thị mới và các công trình xây dựng mới. Đối với khu vực đô thị hiện hữu, từng bước giải quyết thông minh từng phần, đảm bảo sự phù hợp về nguồn lực, năng lực và bối cảnh kinh tế xã hội địa phương. "Phát triển đô thị thông minh không còn là một khẩu hiệu mà đã trở thành lựa chọn thiết thực tại các đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống và năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 vừa qua, đô thị thông minh đã giúp nền kinh tế đô thị và an sinh xã hội nhanh chóng được phục hồi" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ.
Lộ trình phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam:
* Đến năm 2025:
- Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ trên băng 90% hộ gia đình tại đô thị
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai phát triển đô thị thông minh
- Ít nhất 03 đô thị từ loại II trở lên thực hiện quy hoạch đô thị thông minh, 06 đô thị/06 vùng kinh tế có đề án tổng thể phát triển đô thị thông minh
- Thí điểm chứng nhận khu đô thị mới thông minh
* Đến năm 2030:
- Hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh
- 100% các đô thị loại II trở lên hoàn thành cơ bản việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị theo kế hoạch được duyệt
* Đến năm 2045:
- Xây dựng ít nhất 03-05 đô thị tầm cỡ thế giới
- Có công trình kiến trúc tiêu biểu, đô thị xanh - thông minh - chuyển đổi số tiêu biểu tầm cỡ thế giới

Hà Nguyễn

lên đầu trang