Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:25

Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:25

Chính sách

Cập nhật lúc 09:52 ngày 23/11/2021

Phát triển kinh tế số để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Hội thảo chuyên đề 5 với chủ đề “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.
Nền kinh tế số trị giá hàng chục tỷ đô la
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định ưu tiên Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử. Liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng lĩnh vực, ngành đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng lĩnh vực, ngành đạt tối thiểu 20%.
Quang cảnh hội thảo
Dẫn số liệu từ báo cáo Nền kinh tế Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 3/10/2019, TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ đô la, đóng góp 5% GDP quốc gia năm 2019, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ đô la vào năm 2025. Nền kinh tế số Việt Nam cùng Indonesia đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33%/năm của cả khu vực tính từ năm 2015 đến nay. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trong 7 thành phố lớn phát triển kinh tế số của khu vực.
“Nhờ có nền kinh tế số mà các ngành, nghề kinh doanh sôi động, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram), giải trí (Netflix), giao thông (Uber, Grab, GoViet), đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)” – TS. Phong cho biết.
Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỷ đô la trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ đô la, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ đô la, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ đô la. Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng hàng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng CNTT, Internet với 0,35 tỷ đô la cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ đô la cho 54 thương vụ trong năm 2019.
Ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) 
Bổ sung vào phần phát biểu của TS. Nguyễn Thành Phong về vai trò của kinh tế số, ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, CMCN 4.0 và sự xuất hiện hiện của các công nghệ mới đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong phát triển các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ. Trong bối cảnh đó, kinh tế số trở thành xu hướng phát triển quan trọng được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. “Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển” - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thế Quang nhấn mạnh.
Đòi hỏi thay đổi mô hình kinh doanh trong tình hình mới
Mặc dù đã có những bước phát triển đáng kể nhưng kinh tế số tại Việt Nam phát triển chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch và được phát triển trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới như Facebook, Google, YouTube, Grab, Lazada, Shopee,…Những nền tảng phát triển của Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Thế giới di động, Điện máy xanh, FPT Shop; trong thanh toán có Momo;… Cùng với đó, khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn, công ty đa quốc gia chưa thực sự cao.
Chỉ ra những điểm hạn chế của nền kinh tế số của Việt Nam, TS. Nguyễn Thành Phong nêu rõ, mức độ chủ động tham gia phát triển nền kinh tế kinh doanh của Việt Nam còn nhiều yếu kém và có phần tự phát. Thể chế, chính sách còn nhiều bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp.
TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo
“Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế và thương mại đầu tư quốc tế có xu hướng giảm. Những điều này đã tác động không nhỏ, gây khủng hoảng kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, cách thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế, thay đổi cả tổ chức đời sống xã hội toàn cầu, thể hiện rõ nhất qua xu hướng tiêu dùng hiện đại, đòi hỏi phải thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới”, TS. Phong nhấn mạnh.
Tại Hội thảo chuyên đề 5 với chủ đề “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các đại biểu đã lắng nghe 06 báo cáo chính từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước với các nội dung tập trung về phát triển kinh tế số và kinh nghiệm quốc tế, dịch vụ nội dung số, tận dụng nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành dịch vụ,…Các đại biểu cũng đã trao đổi sôi nổi về sự thay đổi và phát triển các mô hình kinh doanh mới nhằm thích ứng với xu hướng tiêu dùng, từ sản xuất đến tiêu dùng, phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.
TS. Nguyễn Thành Phong mong muốn các nhà khoa học, diễn giả, chuyên gia có những hiến kế, đề xuất cách tiếp cận mới, phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. TS. Phong cũng cho biết, các thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của đại biểu để đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian tới.
Hà Nguyễn

lên đầu trang