Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:12

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:12

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:10 ngày 02/12/2021

Phát triển điện mặt trời mái nhà để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao, để đáp ứng tốc độ phát triển mạnh mẽ của đất nước, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các giải pháp như phát triển nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường tiết kiệm năng lượng rất quan trọng trong tương lai, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, vận động và tổ chức thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội. Đặc biệt, sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ đã có những quyết định và cam kết hành động mạnh mẽ trong vấn đề giảm phát thải khí nhà kính.
Phát biểu tại Hội thảo “Kháng thể năng lượng 4.0 - Phần 2” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng Lượng Mặt Trời Bách Khoa, Ban quản lý Khu Công Nghệ Cao & Các Khu Công Nghiệp Đà Nẵng, Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Việt Nam tổ chức sáng ngày 26/11, ông Trần Văn Việt - Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) – cho biết, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng hàng năm đều triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ “Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và trình diễn 03 mô hình điển hình về thiết kế, thi công, lắp đặt, vận hành và bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời áp mái” là một trong các nhiệm vụ được thực hiện trong năm 2021.
Ông Trần Văn Việt - Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo
Với tiềm năng về bức xạ năng lượng mặt trời tại Việt Nam, đồng thời trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những cơ chế, khuyến khích tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng và phát triển các loại hình nguồn điện, đặc biệt là điện mặt trời. Do đó, điện mặt trời áp mái đã có những bước tiến phát triển vượt bậc cả về quy mô và công suất.
Cụ thể, từ tháng 4/2017 khi có cơ chế khuyến khích, năng lượng mặt trời đã thu hút được nhiều sự quan tâm của thị trường và xã hội bởi những lợi ích mà nó đem lại. Tính đến tháng 12 năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Việt Nam đạt 9,3 GWp, tăng 25 lần so với năm 2019, tạo nên những kỳ vọng mới về giải pháp kỹ thuật chuẩn mực, mô hình tài chính linh hoạt, vận hành hiệu quả, số hóa dữ liệu kết nối thông minh hơn.
“Điều này cũng đem lại những lợi ích hết sức tích cực như tăng cường nguồn điện cho hệ thống quốc gia, tăng cường tiêu thụ điện tại chỗ, giúp giảm tải cho hệ thống truyền tải và giảm tổn thất điện năng do truyền tải. Ngoài ra, điện mặt trời áp mái cũng đem lại các lợi ích rất lớn về kinh tế cho chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư” – ông Trần Văn Việt nhấn mạnh.
Đồng tình với ông Trần Văn Việt, ông Phạm Trường Sơn – Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cũng cho rằng, trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt dần của nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đôt đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là gia tăng chi phí nhiên liệu sản xuất. Trong bối cảnh đó, việc ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, bảo đảm cho các hoạt động bền vững của các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng giám đốc SolarBK khẳng định Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển điện mặt trời.
Ông Sơn cho biết, đối với thành phố Đà Nẵng - một địa phương có tiềm năng để phát triển điện năng lượng mặt trời với số giờ nắng khá cao, cường độ bức xạ trung bình lớn, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 104/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Quyết định đặt ra mục tiêu đối với khu vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ là nâng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 79,79 MW đến năm 2025, đạt 142,55 MW đến năm 2030 và đạt 191,49 MW đến năm 2035, trong đó tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà tại các cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
“"Hiện nay, số lượng doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái trong các khu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng không nhiều, dưới 50% doanh nghiệp áp dụng điện mặt trời áp mái. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, cùng với việc phát triển các khu công nghiệp mới, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ điện mặt trời áp mái” – ông Sơn nói.
Chia sẻ về những lợi ích của điện mặt trời áp mái, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng giám đốc SolarBK khẳng định, Việt Nam có ưu thế rất lớn để phát triển điện mặt trời với số giờ nắng rất cao. Phát triển điện mặt trời sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại, vừa đảm bảo duy trì tài nguyên cho thế mai sau. “Về khía cạnh môi trường, điện mặt trời sẽ giúp giảm phát thải khí CO2. Về khía cạnh tài nguyên, có thể tận dụng mái nhà để lắp đặt điện mặt trời, đồng thời giúp nhiệt độ bên dưới mái nhà giảm 3 độ C. Về khía cạnh kinh tế, điện mặt trời sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành” – bà Quỳnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp tham dự đã được lắng nghe nhiều bài trình bày về các giải pháp, các thông tin hữu ích về module thiết kế - lắp đặt và giải pháp tài chính đi kèm, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư hệ thống điện mặt trời thông minh.
Hội thảo trực tuyến “Kháng thể năng lượng 4.0 - Phần 2” nằm trong chuỗi các hội thảo Kháng thể năng lượng 4.0 do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng Lượng Mặt Trời Bách Khoa, Ban quản lý Khu Công Nghệ Cao & Các Khu Công Nghiệp Đà Nẵng, Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Việt Nam tổ chức. Hội thảo “Kháng thể năng lượng 4.0 - Phần 1” đã được tổ chức ngày 15/10. Hội thảo “Kháng thể năng lượng 4.0 - Phần 3 và Phần 4" sẽ được tổ chức lần lượt vào ngày 10/12 và 17/12/2021.
Hà Nguyễn

lên đầu trang