Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 15:32

Thứ năm, 09/05/2024 | 15:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:30 ngày 22/06/2013

Giải pháp phát triển ngành CN hỗ trợ ô tô Việt Nam

 Mặc dù được sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan có liên quan, ngành công nghiệp Ô tô của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển. Đáng chú ý là tình trạng giá xe nhập khẩu cũng như xe lắp ráp trong nước đang thuộc diện đắt nhất thế giới. Trong khi đó, theo lộ trình giảm thuế CEPT gắn với tự do hóa thương mại của các nước ASEAN, đến năm 2018, thuế đánh vào xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ là 0%. Điều này đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với ngành công nghiệp Ô tô của nước ta. Để ngành công nghiệp Ô tô phát triển thì một yêu cầu tất yếu đó là, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô phải phát triển. Tuy nhiên, CNHT ô tô của Việt Nam trong suốt 10 năm qua vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi thích hợp.


1. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG NGÀNH CNHT Ô TÔ CỦA VIỆT NAM

1.1. Số lượng và quy mô doanh nghiệp

Trước năm 2002, Việt Nam chưa có khái niệm về ngành CNHT ô tô. Ô tô sản xuất trong nước, đều lắp ráp theo bộ linh kiện. Quy định về bộ linh kiện dựa trên hàm lượng nội địa trong sản phẩm lắp ráp cuối cùng, theo các hình thức tăng dần về tỷ lệ nội địa và mức độ ưu đãi: SKD, CKD1, CKD2, IKD. Tuy nhiên, không một công ty nào đáp ứng được yêu cầu lắp ráp xe dạng IKD, tỷ lệ nội địa của ô tô sản xuất tại Việt Nam rất thấp. Từ năm 2002 đến 2005, sau khi bãi bỏ các quy định cho phép lắp ráp xe dạng SKD và CKD1, xe ô tô sản xuất tại Việt Nam theo 2 hình thức CKD và IKD. Từ năm 2005, Bộ Tài chính ban hành biểu thuế mới, quy định cách tính thuế mới không dựa trên bộ linh kiện mà theo các chi tiết và linh kiện đơn lẻ. Việc ban hành biểu thuế mới đồng nghĩa với việc các quy định về tỷ lệ nội địa được bãi bỏ, đánh dấu sự ra đời ngành CNHT của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng các công ty trong ngành CNHT ô tô của Việt Nam vẫn rất ít, quy mô sản xuất nhỏ.

1.2. Vốn và công nghệ

Sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ô tô là một lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi vốn lớn để mua máy móc, thiết bị, thuê đất đai, xây dựng nhà xưởng và thực hiện các thử nghiệm sản phẩm trước khi đi vào sản xuất chính thức. Ngay cả đối với các công ty đang tồn tại cũng đòi hỏi những khoản đầu tư mang tính dài hạn, không thể thu hồi được trong vòng vài năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cho hoạt động marketing nhằm giới thiệu sản phẩm mới để duy trì và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng. Thực tế, hiện nay, các công ty sản xuất CNHT ô tô của Việt Nam đều gặp phải một khó khăn chung, đó là thiếu vốn để kinh doanh.

 Các dây chuyền công nghệ, hệ thống nhà xưởng của các doanh nghiệp CNHT ô tô Việt Nam còn rất kém và lạc hậu. Phần lớn máy móc thiết bị đều nhập khẩu từ nước ngoài trong tình trạng cũ kỹ, lạc hậu, việc bảo trì máy móc thiết bị cũng chưa tốt. Do đó, các sản phẩm của ngành CNHT ô tô có hàm lượng kỹ thuật thấp, chất lượng không đảm bảo và tính ổn định không cao. Thực tế đã cho thấy, các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam đã có nhiều bàn thua ngay trên “sân nhà” khi để thị phần rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

1.3. Nhân lực

Có nhiều nguyên nhân làm cho ngành CNHT ô tô của Việt Nam bị đánh giá là yếu kém, trong đó, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp lại xuất phát từ khía cạnh nguồn nhân lực. Ngành CNHT ô tô của Việt Nam thiếu và yếu cả 3 nhóm nhân lực: Kỹ sư và công nghệ viên; kỹ thuật viên, công nhân lành nghề và cán bộ quản lý trung gian. Các kỹ sư và công nghệ viên được đào tạo chủ yếu trong các trường đại học kỹ thuật, tuy có những điểm mạnh của đào tạo cơ bản, nhưng lại rất yếu về thực hành, năng lực ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác.

Có thể thấy, để có được nguồn nhân lực tốt trong lĩnh vực CNHT, mối quan hệ bền vững và hỗ trợ lẫn nhau giữa nhà trường và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa gắn kết được kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu phát triển sản xuất, nên có sự thiếu hụt về đội ngũ. Nguồn nhân lực chất lượng kém làm nản lòng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực CNHT nói chung và đặc biệt trong ngành công nghiệp Ô tô nói riêng.

1.4. Hệ thống thông tin doanh nghiệp

Bên cạnh những yếu kém về chất lượng, chủng loại sản phẩm, ngành CNHT ô tô còn thiếu hệ thống thông tin để hỗ trợ trong việc tìm kiếm, hợp tác và phát triển sản phẩm. Sản phẩm của ngành CNHT thực tế chỉ phục vụ cho một số doanh nghiệp lắp ráp nhất định, nên doanh nghiệp CNHT phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp lắp ráp để tiêu thụ sản phẩm và ngược lại, các doanh nghiệp lắp ráp cũng rất cần các nhà cung cấp đáng tin cậy sản xuất các sản phẩm hỗ trợ có chất lượng và giá thành cạnh tranh, đúng hạn về thời gian giao hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam chưa thực sự coi trọng và nhận  thức đầy đủ được ý nghĩa của mối quan hệ chặt chẽ này.

2. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH CNHT Ô TÔ CỦA VIỆT NAM

2.1. Hoàn thiện chính sách phát triển CNHT ô tô

Để thực hiện mục tiêu xây dựng một khuôn khổ chính sách phù hợp, việc đầu tiên là phải xây dựng trên cơ sở không phân biệt doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Nhà nước cần kịp thời nghiên cứu, hoàn thiện đầy đủ các văn bản pháp luật về ngành CNHT, bao gồm các quy định về thị trường vốn, chính sách thuế và luật chống độc quyền, để ngành công nghiệp Ô tô có các cơ sở pháp lý xây dựng chiến lược, cơ cấu hợp lý trong nội bộ ngành. Cần có chiến lược quốc gia nâng cao nhận thức về ngành CNHT, nhất là vị thế của các ngành sản xuất kỹ thuật cao; cải thiện sự phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành cũng như mối quan hệ đối tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, giữa ngành công nghiệp với các trường đại học; xây dựng các chương trình phát triển từng nhóm sản phẩm hỗ trợ, khuyến khích hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng và nguyên vật liệu phụ trợ cho ngành công nghiệp Ô tô,…

Chính sách ưu đãi về thuế cũng là một yếu tố quan trọng, khuyến khích ngành CNHT ô tô phát triển. Trong đó, cần phải miễn giảm thuế thu nhập, giảm thuế mua sắm thiết bị của các doanh nghiệp CNHT và cần thiết kế những chính sách thuế thích hợp, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia vào CNHT.

2.2. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Để phát triển ngành CNHT ô tô, chúng ta cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng kỹ sư được tuyển dụng có đủ năng lực đáp ứng các nhu cầu về quản lý ở Việt Nam rất thiếu, đặc biệt là ở miền Bắc. Chúng ta cần phải đào tạo ở cả hai đối tượng, đó là kỹ sư và công nhân lành nghề,thì mới có được nguồn nhân lực chất lượng tốt phục vụ cho phát triển CNHT ô tô nói riêng và ngành CNHT nói chung, .

Mặt khác, tăng cường hợp tác với các trường đại học hoặc dạy nghề nước ngoài, mời các chuyên gia kỹ thuật có trình độ cao sang huấn luyện cho các công nhân kỹ thuật, các kỹ sư thực hành của ngành CNHT ô tô Việt Nam. Đồng thời, cử công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý sang học tập tại nước ngoài theo các chương trình hợp tác liên kết với các nước có công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Tây Âu.

2.3. Thu hút FDI để thúc đẩy CNHT ô tô của Việt Nam

Có thể thấy, FDI và các ngành CNHT có mối quan hệ tương hỗ, đặc biệt là đối với Việt Nam, khi nguồn vốn trong nước còn hạn chế, ngành CNHT đang thiếu vốn để phát triển, thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thu hút nguồn vốn FDI có thể tận dụng được công nghệ và khả năng quản lý tiên tiến, kích thích sự phát triển của CNHT. Để thu hút FDI vào ngành CNHT, việc tạo ra một môi trường kinh doanh tự do và mở, đặc biệt là một khuôn khổ chính sách ổn định là điều kiện quan trọng nhất, bên cạnh những yêu cầu thông thường, như chất lượng lao động cao, cơ sở hạ tầng phải được cải thiện và ưu đãi về thuế. Điều này cần sự góp sức của Chính phủ, các tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu làm được như vậy, việc phát triển lành mạnh của ngành CNHT ô tô mới trở nên khả thi và đây cũng là bước đi tất yếu trong việc nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh công nghiệp với Trung Quốc và các nước ASEAN.

2.4. Tăng cường liên kết doanh nghiệp

Trong nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, các doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng từ cấp trên và được bao tiêu sản phẩm đầu ra, nên các doanh nghiệp này hầu như không phải nỗ lực trong việc xúc tiến bán hàng, tìm kiếm đối tác. Thậm chí ngay cả bây giờ, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ thụ động làm theo các đơn đặt hàng có sẵn chứ không nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới cho sản phẩm của mình. Trong ngành CNHT ô tô Việt Nam, sự liên kết giữa các nhà lắp ráp và nhà cung cấp, cũng như giữa các nhà cung cấp nội địa với các nhà cung cấp có vốn FDI là rất lỏng lẻo và rời rạc.

Để giải quyết tình trạng này, trước hết, cần phải xúc tiến thành lập một cơ quan đầu mối về CNHT ô tô trên cả nước, nhằm cung cấp thông tin về mọi mặt cho doanh nghiệp hỗ trợ nội địa khi cần thiết. Việc thiếu vắng một cơ quan đầu mối thống nhất khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn trong việc tiến hành hoạt động sản xuất của mình do thiếu thông tin. Kết nối các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa trong việc phát triển sản xuất thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu cung cấp và sử dụng sản phẩm hỗ trợ của hai bên là hết sức cần thiết.

 

 

               Nguyễn Thị Huế

lên đầu trang