Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 23:38

Thứ năm, 02/05/2024 | 23:38

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:04 ngày 29/12/2021

Ứng dụng KHCN, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông sản – thực phẩm bền vững để vươn ra thế giới

Việt Nam tham gia ngày các nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTAs). Cùng với các cơ hội thị trường rộng mở, các tiêu chuẩn dành cho nhà sản xuất muốn tham gia các sân chơi quốc tế vì thế cũng khắt khe hơn. Để thâm nhập thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản – thực phẩm, đổi mới là yếu tố bắt buộc.
TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, Nguyên Trưởng phòng Chế biến, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm trồng trọt (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT) đã có một số chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Đáp ứng Tiêu chuẩn, Quy chuẩn
PV: Sản xuất theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là xu hướng chung hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến. Ông đánh giá thế nào về quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua?
TS. Nguyễn Mạnh Dũng: Từ 01/1/2007 sau khi ban hành luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Luật số 68/2006/QH11) tất cả các hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm từ nông sản nói riêng đều phải tuân thủ theo những quy định của Luật này. Theo đó, Nhà nước ban hành các quy chuẩn kỹ thuật thuộc các lĩnh vực quan trọng như môi trường, an toàn thực phẩm, sức khỏe của con người, an toàn sinh học… để bảo đảm ổn định cuộc sống, môi trường và sức khỏe con người.
Hoạt động sản xuất, chế biến nông sản và thực phẩm tiêu chuẩn hóa để tuân thủ Luật và đáp ứng yêu cầu thị trường.  
Việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dựa trên các căn cứ như (1) Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; (2) Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; (3) Kinh nghiệm thực tiễn; và (4) Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm của mình không thấp hơn các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; đồng thời các cơ quan hữu quan cũng sử dụng các tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp để thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm.
Ngày 02/02/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật An toàn thực phẩm, bao gồm các quy định về (1) Thủ tục tự công bố sản phẩm; (2) Thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; (3) Bảo đảm an toàn thực phẩm biến đổi gen; (4) Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; (5) Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; (6) Ghi nhãn thực phẩm; (7) Quảng cáo thực phẩm; (8) Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; (9) Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; (10) Truy xuất nguồn gốc thực phẩm; và (11) Phân công trách nhiệm quản lý nước về an toàn thực phẩm. Việc thực hiện các quy định của Nghị định này tạo ra điều kiện thông thoáng hơn trong các hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhìn chung, với những quy định như trên thì các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm từ nông sản nói chung đang ngày càng hoạt động một cách nề nếp và theo tiêu chuẩn hóa hơn tại những thị trường quốc tế và cả thị trường nội địa.
KHCN là yếu tố quan trọng
PV: Theo ông, việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học và công nghệ đóng góp như thế nào vào quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Mạnh Dũng: Các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang ngày càng được nâng cao và khắt khe hơn về nhiều mặt. Để đáp ứng các tiêu chí này, không có con đường nào khác là ứng dụng nhanh chóng và liên tục các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN). 
TS. Nguyễn Mạnh Dũng: Doanh nghiệp phải áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất đạt các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang ngày càng nâng cao và khắt khe hơn.
Trước hết là những tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, chế biến. Các doanh nghiệp chủ động đổi mới, học hỏi các kỹ thuật sản xuất, chế biến hiện đại để nâng dần trình độ đạt tới các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật mà các đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài yêu cầu sẽ có ưu thế hơn khi tiếp cận các thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Bắc Mỹ.
Ví dụ, xây dựng và áp dụng ổn định, có hiệu quả quy trình HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) giúp hạn chế tối đa phế phẩm, giảm chi phí sản xuất, ổn định và dần nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu áp dụng tốt HACCP thì chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể tình trạng hàng hoá xuất khẩu bị trả về do vi phạm quy định ATTP như một số tình huống xảy ra gần đây. 
Thứ hai, nâng cao tiềm lực ứng dụng KHCN, nghiên cứu và phát triển (R&D) giúp cơ sở sản xuất nâng cao trình độ canh tác, chế biến, chủ động nguồn nguyên liệu một cách hiệu quả. Chẳng hạn, hiện nay xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được ưa chuộng, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu, đầu tư và phát triển các mô hình canh tác theo hướng sạch, hữu cơ. Đồng thời bắt tay với các nhà cung ứng có trách nhiệm để hình thành chuỗi cung ứng của riêng mình nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường. Có thể nói, nông nghiệp sạch, trong đó có nông nghiệp hữu cơ, là một trong những xu thế phát triển bền vững mà doanh nghiệp cần hướng đến.
Liên tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến quy trình chế biến đã chứng minh được những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Cụ thể là nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường, cơ hội mở rộng thị trường liên tục… đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các FTA.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt các kỹ thuật sản xuất tiên tiến, áp dụng KHCN theo hướng tăng cường chế biến sâu vừa đảm bảo đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, vừa tận dụng tốt hơn các cơ hội thị trường; qua đó nâng cao sức cạnh tranh và từng bước nâng dần vị thế trong chuỗi cung ứng.

Ảnh: TS. Nguyễn Mạnh Dũng (giữa) cùng các chuyên gia tham quan nhà máy ứng dụng công nghệ  sinh học trong chế biến thực phẩm
Phát triển công nghệ sinh học
PV: Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nội địa chịu sức ép cạnh tranh không nhỏ. Vậy theo ông yếu tố nào sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Mạnh Dũng: Các FTA đem đến nhiều cơ hội, đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh không nhỏ. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm phải đẩy mạnh ứng dụng KHCN mới có thể đứng vững trong cuộc chơi. Để làm được việc này doanh nghiệp có thể tự chủ động trong khâu R&D. Cách làm này tốn nhiều công sức, thời gian và chi phí. Đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì cách làm hiệu quả hơn là liên kết với các đơn vị nghiên cứu KHCN. Như vậy doanh nghiệp tận dụng được nguồn chất xám bên ngoài, giảm chi phí và thời gian nghiên cứu. Đối với đơn vị nghiên cứu KHCN, liên kết với doanh nghiệp giúp các nghiên cứu “định hướng” thị trường tốt hơn, cũng là chiến lược mà các cơ quan quản lý hướng đến. Đây cũng là bài học thành công của nhiều cường quốc công nghiệp chế biến như Nhật Bản, Đài Loan.
Cũng từ thực tế các quốc gia đi trước cho thấy công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, là một trong những con đường khả dĩ nhất giúp doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp với trình độ sản xuất tiên tiến thế giới.
Việc Chính phủ ban hành quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 phê duyệt “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam phát triển thuận lợi.
Để tận dụng hiệu quả các thành quả nghiên cứu được tạo ra từ Đề án giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia để đưa mô hình nghiên cứu vào ứng dụng sản xuất công nghiệp. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt những tiến bộ KHCN này, từ đó tạo ra điểm đột phá mới trong sản xuất, kinh doanh. 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, chủ động tham gia hoặc chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc đề án theo quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, nhanh chóng tạo nên một nền công nghiệp sinh học trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm như mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang 
lên đầu trang