Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 14:43

Thứ tư, 15/05/2024 | 14:43

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:37 ngày 31/12/2020

Bộ Công Thương chủ động, tích cực phát triển công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến

Thực hiện Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai đề án và đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Gắn nghiên cứu với thực tiễn
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” nhằm rà soát, đánh giá kết quả triển khai Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 và lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong nước về định hướng cụ thể triển khai Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030.

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo
Sau 12 năm triển khai thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã triển khai đạt hiệu quả đối với việc phát triển công nghệ sinh học nói chung và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nói riêng. Bộ luôn đặt doanh nghiệp với vai trò trung tâm tiếp nhận các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp và sản xuất tạo sản phẩm, một số nhiệm vụ bước đầu đã được triển khai theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu công nghệ đến sản xuất sản phẩm và thương mại hóa trên thị trường nội địa, ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng về chất lượng, sự ổn định của sản phẩm.
Đây chính là cách tiếp cận triển khai phù hợp với thực tế hiện nay, thúc đẩy hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học tại các tổ chức khoa học công nghệ với các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy và phát triển sản phẩm nội địa từ chính các nghiên cứu trong nước, góp phần khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong việc tái cơ cấu ngành Công Thương. Sự tham gia của công nghệ nghiên cứu đã giúp chúng ta đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra, tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam.
Báo cáo tại hội thảo, TS. Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc đề án được triển khai theo định hướng nghiên cứu ứng dụng. Theo đó, hầu hết kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án sản xuất thử nghiệm đã được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp.
"Nếu như năm 2007 - năm đầu tiên thực hiện đề án, chỉ có 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai và doanh nghiệp tham gia còn ở quy mô nhỏ thì đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp tham gia vào các nhiệm vụ đã tăng lên 75%. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, 100% nhiệm vụ đã có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp hoạt động ở nhiều quy mô khác nhau" - TS. Đặng Tất Thành nêu.
Bên cạnh đó, đề án đã nghiên cứu, hoàn thiện được hơn 200 quy trình công nghệ, ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đã có hơn 75 sản phẩm tiêu biểu thuộc đề án đã được nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp tham gia. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đào tạo được gần 200 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân và hơn 300 công nhân, người lao động trực tiếp tại doanh nghiệp.
Đánh giá cao việc triển khai đề án, TS. Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản nhận định: Thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, các nhà khoa học đã phối hợp tốt hơn với nhà sản xuất và các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm mới đã được hình thành từ đây như chế phẩm sinh học, dinh dưỡng và thức ăn thủy sản… “Công nghệ sinh học được ứng dụng, có tác động trực tiếp trong các công đoạn chế biến sản phẩm theo hướng bảo tồn và nâng cao giá trị dinh dưỡng, giá trị sử dụng từ nhiều đối tượng thủy sản khác nhau” - TS. Nguyễn Viết Nghĩa khẳng định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Chu Kỳ Sơn - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - chia sẻ: Trong thời gian qua, Viện đã thực hiện 12 đề tài/dự án nằm trong khuôn khổ đề án. Qua việc triển khai các đề tài/dự án đã giúp Viện nâng cao năng lực nghiên cứu; mở rộng và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, sẵn sàng giải quyết các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao về công nghệ sinh học công nghiệp và công nghệ thực phẩm cho đất nước; tạo ra các công nghệ và sản phẩm có thể tiếp cận và đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Tìm hướng phát triển trong giai đoạn mới
Ngày 21/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, trong đó giao Bộ Công Thương là tiếp tục đánh giá Đề án phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 và triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030.

Hội thảo Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030
Căn cứ vào các kết quả triển khai “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” và yêu cầu của Chính phủ đối với triển khai phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ Công Thương đã xây dựng “Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”. Đây là giai đoạn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ, sản phẩm vào thực tiễn sản xuất và thị trường tiêu thụ nhằm gia tăng GDP từ chính các công nghệ tiềm năng đã được nghiên cứu triển khai trong giai đoạn trước.
Ghi nhận những kết quả rõ nét của đề án trong giai đoạn vừa qua, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - cho rằng: Mặc dù dự thảo Đề án giai đoạn đến 2030 đã được Bộ Công Thương hoàn thành và đang trong giai đoạn trình Thủ tướng Chính phê duyệt nhưng việc chúng ta tiếp tục trao đổi, tìm các hướng triển khai phù hợp cho Đề án giai đoạn đến 2030 trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ các nội dung đã triển khai trong giai đoạn 2007-2020 để sẵn sàng đưa ra những giải pháp thực hiện cụ thể trong giai đoạn đến 2030 sau khi đề án được phê duyệt là hết sức cần thiết.
Thạc sĩ Trần Hoàng Quyên - Giám đốc Trung tâm thực nghiệm sản xuất và chuyển giao công nghệ, Viện Công nghiệp thực phẩm - cho hay: Theo Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, trong số các chỉ tiêu cần đạt, năm 2025, số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 20%, đóng góp tối thiểu 5% GDP quốc gia, tới năm 2030, số lượng doanh nghiệp tăng 50%, đóng góp 7%GDP.
Đây là những chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật rất cao, đòi hỏi nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc tạo cơ chế phù hợp, sức sáng tạo của các cơ sở nghiên cứu trong giải quyết các vấn đề về công nghệ, sự năng động của doanh nghiệp với vai trò trung tâm trong hiện thực hóa các thành quả khoa học công nghệ.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học, thạc sĩ Trần Hoàng Quyên đề xuất: Định hướng hát triển công nghiệp sinh học cần dựa trên những nguồn nguyên liệu nông, lâm, ngư nghiệp chủ đạo của Việt Nam để có thể triển khai ở quy mô lớn, tạo chuyển biến cho nền kinh tế; phát triển công nghiệp sinh học cần được đồng hành cùng phát triển công nghiệp hỗ trợ như chế tạo máy, tự động hóa, công nghiệp vật liệu, hóa chất…; cần xây dựng trung tâm kết nối doanh nghiệp và hỗ trợ truyển giao công nghệ nhằm tạo cầu nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, giữa các nhà cung cấp công nghệ với doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công Thương đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Mục tiêu chung là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới, hiện đại hóa công nghệ…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang