Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 00:41

Chủ nhật, 19/05/2024 | 00:41

Chính sách

Cập nhật lúc 11:06 ngày 22/07/2013

Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác và chế biến than

Theo kế  hoạch 5 năm (2010-2015), đến 2015, Tập đoàn CN Than – Khoáng sản VN (Vinacomin) sẽ đạt sản lượng khai thác 55 triệu tấn than, tăng từ 25 đến 30% so với năm 2010, đáp ứng cơ bản nguồn năng lượng cho nền kinh tế quốc dân. Để đạt được mục tiêu đó, Vianacomin đã và đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại trong khai thác và chế biến, nhằm nâng cao chất lượng than.

 

 

Cơ giới hóa khai thác cả các vỉa dốc, vỉa mỏng…

Trong những năm gần đây, các công ty than đã mạnh dạn trong áp dụng đổi mới công nghệ và đã cho những hiệu quả rõ rệt. Trong khai thác than hầm lò, từ việc chống lò bằng vì ma sát thay thế chống gỗ, cho đến thay thế vì ma sát bằng chống cột thủy lực đơn, giá chống di động, rồi giàn chống tự hành... Công nghệ khấu than, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng một số đơn vị đã áp dụng khấu bằng máy combain cho năng suất cao hơn nhiều lần so với công nghệ truyền thống trước đây. Trong khai thác than lộ thiên, các đơn vị đã đưa máy xúc gầu ngược năng suất cao, xe vận tải trọng tải lớn hàng trăm tấn.

Không dừng lại ở những thành công đã đạt được, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ rõ trong mục tiêu nhiệm vụ năm 2012 và những năm tiếp theo, đó là: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ phù hợp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm - coi đây là giải pháp quyết định tăng trưởng của Tập đoàn. Để thực hiện mục tiêu đó, Tập đoàn chỉ đạo quyết liệt các đơn vị áp dụng cơ giới hóa rộng rãi phù hợp với từng điều kiện khoáng sàng ở các mỏ hầm lò, như cơ giới hóa khấu than ở các lò chợ; áp dụng các sơ đồ công nghệ khai thác mới trong các điều kiện địa chất phức tạp (vỉa dày, vỉa dốc, vỉa mỏng, dưới các trụ bảo vệ…). Tập đoàn sẽ đánh giá việc đồng bộ cơ giới hóa khai thác để áp dụng công nghệ này ở các mỏ có điều kiện phù hợp, nhằm đạt những lò chợ công suất cao từ 0,5 triệu tấn/năm đến 1,5 triệu tấn/năm; Nghiên cứu cơ giới hóa khai thác lò chợ ngắn, khai thác các vỉa dày dốc; lựa chọn công nghệ hợp lý đế khai thác các vỉa mỏng đến 0,8 mét; Nghiên cứu áp dụng cơ giới hóa trong công tác đào lò bằng các thiết bị hiện đại, như khoan nhiều cần, máy bốc xúc các loại, máy đào lò liên hợp, hay chống lò vì neo ở những nơi có điều kiện sử dụng. Các công ty khai thác lộ thiên áp dụng các thiết bị có trọng tải lớn, đồng thời triển khai các hệ thống băng tải đá tiến tới vận chuyển đá bằng băng tải…

Đầu tư sàng tuyển nhằm nâng cao chất lượng than và đảm bảo môi trường

Nhìn chung hiện nay, các nhà máy tuyển than tập trung và các cụm sàng tuyển tại vùng than Quảng Ninh đã đáp ứng được nhu cầu chủng loại và chất lượng than cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu suất tuyển còn chưa cao, than còn lẫn trong đá thải gây tổn thất tài nguyên, bùn than sau tuyển còn chưa được xử lý triệt để. Để nâng cao chất lượng tuyển than, Tập đoàn đã chỉ đạo các công ty sàng tuyển đề ra các giải pháp công nghệ, như nâng cao hiệu quả xoáy lốc phân cấp cho các nhà máy tuyển than Cửa Ông và Hòn Gai nhằm nâng cao hiệu quả tuyển than; Tận thu than trong xít thải bằng huyền phù tự sinh; Chế biến xít thải thành vật liệu gạch xây dựng; Giảm độ ẩm than bùn bằng lọc ép nhằm tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng tuyển than, các nhà máy của Công ty Tuyển than Cửa Ông đã liên tục được triển khai lắp đặt bổ sung các hệ thống xoáy lốc phân cấp, sàng khử nước để nâng cao hệ số thu hồi than cám mịn thương phẩm. Các nhà máy này đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý bùn nước bằng lọc ép tăng áp công suất 1 triệu tấn/năm để tận thu nước tuần hoàn, đồng thời than bùn sau lọc ép đã đạt độ ẩm khoảng 18-22%, có thể pha trộn tiêu thụ như cám 5 thương phẩm. Tương tự như vậy, Nhà máy Tuyển than Hòn Gai đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống tuyển nổi cột công suất 450 nghìn tấn/năm, hệ thống lọc ép than bùn để nâng cao chất lượng than, thu hồi nước tuần hoàn tái sử dụng. Do đó, từ than bùn đã tuyển ra được than cám mịn, độ tro 10-15%, có thể pha trộn với than cám 3, tiêu thụ cho các nhà máy xi măng và xuất khẩu.

Với việc ứng dụng nhiều giải pháp về công nghệ, những năm qua, hiệu quả tuyển than đã được tăng lên rõ rệt. Trong xu hướng nhu cầu than cho sản xuất đang tăng lên rất cao, thì việc lựa chọn các giải pháp công nghệ nhằm ngày càng nâng cao chất lượng tuyển than sẽ được các đơn vị tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao giá trị của hòn than, đảm bảo môi trường, góp phần vào việc thực hiện được nhiệm vụ kế hoạch 5 năm đã đề ra.

Thuý Hà

 

 

 

 

lên đầu trang