Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 17:17

Thứ sáu, 10/05/2024 | 17:17

Chính sách

Cập nhật lúc 11:09 ngày 22/07/2013

Thành phố Hồ Chí Minh: Gắn khoa học công nghệ với thực tiễn

Trong năm 2012, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng “lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho hoạt động khoa học công nghệ” bằng một số chương trình then chốt như: Chương trình đổi mới công nghệ trong công nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ …


 

 Hiệu quả cao từ ứng dụng khoa học công nghệ

Để gắn khoa học công nghệ với hoạt động sản xuất thực tiễn, TP. HCM đã tạo thêm các cơ chế thông thoáng hơn, gồm cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học, cơ chế đồng đầu tư từ doanh nghiệp đặt hàng cho Sở Khoa học và Công nghệ (theo cơ chế này, doanh nghiệp bỏ 70% kinh phí nghiên cứu, Sở sẽ hỗ trợ 30%) và cơ chế đầu tư xuyên suốt, thể hiện dưới dạng giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học nghiên cứu một đề tài tới cùng, cho đến khi thương mại hóa được.

“Nhờ các cơ chế này, trong năm 2011, đã có 10 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ứng dụng vào thực tế với giá trị hợp đồng khoảng 8,8 tỉ đồng. Tuy giá trị hợp đồng không nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế từ việc ứng dụng vào thực tế là rất lớn. Qua tính toán trong năm 2011, hiệu quả ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ tại thành phố đã mang lại hiệu quả giá trị khoảng 300 tỉ đồng”, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM cho biết. 

Theo ông Tân, TP. HCM đề ra mục tiêu đến năm 2015, tổng doanh thu từ các ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đạt khoảng 1.000 tỉ đồng/năm, một kết quả gấp 3 lần so với hiện tại.

Để các công trình nghiên cứu khoa học không còn “xa lạ” với doanh nghiệp, từ đầu năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia tái cấu trúc hoạt động sản xuất doanh nghiệp bằng hình thức hỗ trợ “trọn gói” gồm các bước đổi mới công nghệ, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng.

Qua khảo sát doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ tái cấu trúc, đến nay đã có 24 doanh nghiệp đăng ký tham gia được hỗ trợ tư vấn đổi mới công nghệ, hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị sản xuất thử nghiệm nhằm khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước.  

Trong năm 2011, Thành phố tổ chức triển khai 13 chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2011 - 2015 phục vụ các ngành kinh tế - xã hội, đồng thời phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm, như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin-điện tử, cơ khí-tự động hóa và vật liệu mới với kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm.

Năm qua, Thành phố tổ chức triển khai thực hiện 217 đề tài, dự án khoa học công nghệ, trong đó 117 đề tài đã được nghiệm thu. Tỉ lệ ứng dụng sau nghiệm thu là 34,18%, như được in thành sách, giáo trình giảng dạy, triển khai sản xuất đại trà hoặc được xây dựng thành quy trình quản lý tại doanh nghiệp. Mục tiêu trong năm 2012, tỉ lệ ứng dụng các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tế đạt 35%.

 Vẫn còn nhiều rào cản

Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, bên cạnh những kết quả khả quan ban đầu, hạn chế lớn nhất trong thời gian qua chính là tác động của khoa học công nghệ đến sản xuất, kinh doanh chưa nhiều, quá trình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp còn chậm, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

Theo nhận định từ một số nhà khoa học, khó khăn lớn nhất của TP. HCM hiện nay là cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều cơ sở được trang bị máy móc thiết bị tốt, còn thiếu các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao, đầu tư cho khoa học công nghệ từ phía các doanh nghiệp chưa nhiều, chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, cơ chế định giá và mua trọn gói các sản phẩm khoa học công nghệ thời gian qua vẫn chưa thông thoáng, nhiều phức tạp. Các nhà khoa học thường kêu ca nhiều về các thủ tục thanh quyết toán phức tạp, định mức thấp. Chẳng hạn,  một chuyên đề nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội nhân văn định mức 10 triệu đồng là không phù hợp với lao động trí óc, nghiên cứu khoa học. 

Để phát huy hiệu quả ứng dụng của các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, TP. HCM cần đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - nhà sản xuất, tăng cường phổ biến và chuyển giao kết quả nghiên cứu, gắn chặt công tác nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tế đời sống. Thời gian qua, mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - nhà sản xuất chưa cao, sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa thực sự sát với nhu cầu của đa số doanh nghiệp, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học dịch vụ.

Với những hạn chế trên, TP. HCM xác định, trong năm 2012 tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học công nghệ, trong đó nâng cao tỉ lệ đóng góp của các doanh nghiệp và xã hội hóa thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ, hình thành quỹ hỗ trợ phát triển nhân lực khoa học công nghệ. Cụ thể, trong năm 2012, đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách Thành phố tăng 20% so với năm 2011 và huy động đầu tư từ xã hội cho khoa học và công nghệ tăng 25% - 30% hàng năm. Chủ động hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, chú trọng khai thác tài sản trí tuệ của các nước phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao.

                                                                                        Hồng Lực   

lên đầu trang