Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 17:14

Thứ ba, 14/05/2024 | 17:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 21:54 ngày 04/02/2022

Sức mạnh thương mại điện tử

“20 năm gắn bó với cây na, chúng tôi chưa từng nghĩ có ngày na của mình sẽ được lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Thậm chí, chưa bao giờ nghĩ có một “Gian hàng Việt trực tuyến” giúp những người trồng na vượt qua “đại dịch” nhẹ nhàng mà vẫn đem lại lợi nhuận cao”. Câu chuyện này được nhiều người dân ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
“Gian hàng Việt trực tuyến”- hỗ trợ gần 30 địa phương tiêu thụ nông sản
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến việc vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Do đó, tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại. Nhìn rộng hơn, đây không chỉ đơn thuần là những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản ngắn hạn, mà trở thành giải pháp để xóa tình trạng “giải cứu” tự phát hiện nay. TMĐT dần trở thành giải pháp kinh doanh bền vững và là cầu nối đưa nông sản với giá cả tốt đến tận tay người tiêu dùng.
Là một trong những địa phương ứng dụng TMĐT thành công, ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng bày tỏ, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhận thức được tầm quan trọng của việc bán hàng trên môi trường số, đến nay, Chi Lăng đã mở trên 8.000 tài khoản cho bà con. Với bước đi này, bà con đã tiếp cận được với hình thức kinh doanh mới trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua. “Thông qua các sàn TMĐT, trong mùa na vừa qua, chúng tôi đã tiêu thụ được trên 60.000 tấn na với tổng giá trị 2,6 tỷ đồng” - ông Trường cho biết.
Hay như tỉnh Bắc Giang, nhận thấy những lợi thế tiềm năng từ sàn TMĐT, địa phương đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều của huyện Lục Ngạn qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT và đã đạt được thành công ngoài sự mong đợi. Sản lượng phân phối qua các sàn TMĐT đạt trên 9.000 tấn với gần 1 triệu đơn hàng, gần gấp 5 lần kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng là khoảng 2.000 tấn tiêu thụ qua TMĐT ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đã được xuất khẩu chính ngạch vào EU hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Trăn trở với “Gian hàng Việt trực tuyến”, ông Bùi Huy Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục TMĐT và Kinh tế số nhìn nhận, thành công nhất của chương trình là các địa phương đã hào hứng tham gia và triển khai nhanh chóng. Nhưng quan trọng hơn, không những người dân đã vượt qua lũy tre làng mà còn kết nối tình làng nghĩa xóm, ở đâu cũng thấy nói về TMĐT, kinh tế số, trao đổi kinh nghiệm về bán hàng online. Đây là kết quả khả quan trong giải bài toán tiêu thụ nông sản và hướng tới phát triển bền vững. Trong năm 2021, Cục TMĐT và Kinh tế số đã hỗ trợ thành công gần 30 địa phương trên cả nước góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản trên nhiều tỉnh, thành phố như: Sơn La, Hải Dương, Bến Tre, Đồng Tháp, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam... Đồng thời, hỗ trợ hàng nghìn DN địa phương tiếp cận chương trình, hàng trăm DN sản xuất Việt đã phát triển kênh phân phối mới, hiện đại trên nền tảng số thông qua TMĐT. Tiêu biểu như: Ngày hội xứ Dừa - Bến Tre; Phiên chợ, Tuần lễ nông sản Việt; na Chi Lăng, bưởi Phúc Trạch… đã được tiêu thụ mạnh trên các sàn TMĐT khác nhau. “Những trường hợp trên là minh chứng thiết thực và rõ nét nhất cho thấy, việc tham gia sàn TMĐT là hướng đi đúng đắn của các địa phương trong tiêu thụ nông sản”- ông Bùi Huy Hoàng hào hứng cho biết.
Vẫn cần thêm trợ lực
Mặc dù “Gian hàng Việt trực tuyến” đã thành công và đem lại hiệu ứng tích cực, nhưng Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải vẫn băn khoăn, trong xu thế hội nhập, việc tham gia vào thị trường TMĐT là hướng đi tất yếu, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều. Tuy nhiên, ở các địa phương, đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều khoảng trống. Ngay cả với những địa phương có đủ điều kiện để thúc đẩy TMĐT thì thị trường này vẫn chưa thực sự phát triển. Việc huấn luyện cho bà con, các hợp tác xã ở các địa phương làm quen với phương thức TMĐT ban đầu không hề dễ dàng bởi những người bán hàng nông sản chưa quen với mô hình sàn TMĐT do TMĐT chưa phổ cập tới đại đa số nông dân. Tuy nhiên, nếu tham gia tốt ở lĩnh vực TMĐT, khi ứng dụng thành công mô hình nông sản bền vững, họ sẽ dễ dàng đưa nông sản, đặc sản ra thị trường ngoài địa phương, thậm chí ra thế giới với giá thuận lợi nhất. “Người dân đã thẳng thắn chỉ ra với tôi những khó khăn khi bán trên sàn TMĐT, hay các địa phương miền núi sóng internet không được tốt nên quá trình trao đổi với khách hàng dễ bị gián đoạn. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân hạn chế trong sử dụng công nghệ nên quá trình giao dịch đơn hàng trên sàn khó khăn” - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số lo ngại.
Nhiều đặc sản của tỉnh Sơn La đã được đưa lên sàn TMĐT
Đồng cảm với băn khoăn của Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, bà Nguyễn Thị Lý - Giám đốc hợp tác xã nông sản Chi Lăng (Lạng Sơn) bộc bạch, tuy năm đầu áp dụng bán trên sàn TMĐT còn nhiều hạn chế nhưng sản phẩm được quảng bá, giá cả ổn định hơn. Đó là những điều mà những người làm vườn mong muốn và hi vọng có thể phát triển được lâu dài. Để phát huy những thế mạnh của TMĐT, các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi cần có sự chủ động tìm tòi, kết nối, liên hệ với các đại diện các sàn TMĐT. “Bộ Công Thương khuyến khích các sàn TMĐT tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con và đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người dân. Đây là hướng đi bền vững, giúp tiêu thụ nông sản ổn định ngay cả khi dịch Covid-19 làm tắc nghẽn thị trường” - ông Đặng Hoàng Hải nói.
Với những nỗ lực của Bộ Công Thương, địa phương, có thể tin tưởng, rồi đây sẽ không còn câu chuyện người nông dân loay hoay tìm đầu ra tiêu thụ nông sản, trông chờ vào những mạnh thường quân “giải cứu”. Điều này sẽ được thay thế bằng những những “cú chạm” chốt đơn của họ trên môi trường số. Người nông dân Việt đang thoát khỏi lối mòn “lấy cần cù bù thông minh”, không cần phải “trông trời, trông đất, trông mây”, trở nên chủ động và thích ứng hơn với thị trường nhờ TMĐT.
Do tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới còn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương xác định, thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của các mặt hàng nông sản. Bên cạnh các kênh xúc tiến thương mại truyền thống tiếp tục phát huy hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kênh phân phối qua các sàn TMĐT mở rộng đầu ra cho nông sản Việt.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang