Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 21:01

Thứ bảy, 04/05/2024 | 21:01

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:57 ngày 14/03/2022

Doanh nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm

Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), việc ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 và các công nghệ từ cuộc cách mạng này của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương năm 2018, có tới 82% các doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và chỉ có 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị. 
Xác định công nghệ là sức mạnh để hội nhập và phát triển, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Kết quả là hiện nay, tỷ lệ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất của tỉnh Hưng Yên đang tăng dần. 
Công ty cổ phần nhựa OPEC (Khu công nghiệp Phố Nối A) liên tục ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. (Ảnh: Báo Hưng yên)
Điển hình là Công ty cổ phần nhựa OPEC (Khu công nghiệp Phố Nối A) - đơn vị chuyên sản xuất bao bì PE xuất khẩu. Sản phẩm nhựa của Công ty hiện nay chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường các nước EU và châu Á. Chính vì vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động, Công ty đã xác định công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng. Bám sát phương châm này, Công ty đã chủ động ứng dụng nhiều công nghệ cao vào các chuỗi sản xuất để giảm chi phí sản xuất, giúp tăng trưởng liên tục. Ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT, cho biết, với mục tiêu đến năm 2025, doanh thu của Công ty tăng gấp 5 lần doanh thu hiện tại, Công ty đã tích cực đầu tư chiều sâu về công nghệ, liên tục cập nhật cải tiến và tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển sâu rộng hơn nhằm tối ưu quy trình sản xuất. 
Nắm bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, Công ty Cổ phần Công nghệ cao Traphaco (Văn Lâm) đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, có tính tự động hóa cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Theo ông Nguyễn Duy Ký, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: tự động hóa từ sản xuất hàng hóa, thiết bị đến vận hành, quản lý chuyên môn sẽ mang lại cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công. Cũng theo ông Ký, với một số công đoạn như đóng gói, bốc xếp hàng, 1 con robot có thể làm việc thay cho cả trăm lao động. Ngoài ra là hệ thống máy móc tự động của doanh nghiệp có thể giảm từ 50% - 75% số lao động trong mỗi doanh nghiệp, nhưng vẫn làm ra được lượng sản phẩm tương ứng, thậm chí là nhiều hơn.
Nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp Toyota Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II), Tổng Công ty may Hưng Yên - Công ty cổ phần,... cũng đã và đang tích cực ứng dụng nhiều công nghệ mới để có thể trụ vững và phát triển trong thời kỳ CMCN 4.0.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ. Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài. Trong khi đó, sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, xu hướng tùy biến cá nhân trong việc tạo ra sản phẩm đang ngày một gia tăng, kiểu nhà máy thông minh ra đời, nhằm đáp ứng thời kỳ “cá thể hóa theo số đông” hay “tùy biến theo khách hàng”. Các nhà máy truyền thống không thể thực hiện được điều đó, ngay cả những dây chuyền có mức độ tự động hóa cao cũng chỉ có thể cho ra đời từng lô hàng theo kế hoạch đã định sẵn. Đây chính là thách thức rất lớn đối với đại bộ phận các doanh nghiệp nếu muốn đón đầu làn sóng 4.0. 
Bích Phương
lên đầu trang