Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 04:09

Thứ bảy, 04/05/2024 | 04:09

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:41 ngày 23/03/2022

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thu hút vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD

Ngay giữa tâm bão đại dịch, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã thu hút được số lượng vốn đầu tư cao nhất từ trước tới nay, hơn 1,5 tỷ USD. Đó là minh chứng rõ ràng nhất, chắc chắn nhất cho tiềm lực và năng lực của trí tuệ Việt Nam.
Động lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Chiều ngày 22/3/2022, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST Việt Nam) năm thứ 8 chính thức được phát động như một nền tảng kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối các hoạt động triển khai xuyên suốt trong cả năm với mục tiêu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST Việt Nam 2021
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ sự vui mừng khi thấy Techfest không còn là một cụm từ xa lạ. Một phép tìm kiếm nhanh tại Google cho thấy, từ khóa Techfest đã trả về khoảng 1,75 triệu kết quả. Đây tuy chưa phải là con số quá lớn, cũng không phải là thước đo cho sự thành công của Techfest. Nhưng cũng cho thấy sự lan tỏa và quan tâm của cộng đồng đối với hoạt động này.
Theo đó, Techfest Việt Nam từ chỗ tổ chức trong ngày đến nay đã có những chuỗi hoạt động ở cả cấp độ địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế. Từ sự tham gia phối hợp của một vài cơ quan, đơn vị, cho đến hiện tại, hàng năm, Techfest đã quy tụ được hàng trăm đơn vị cùng đồng hành, tổ chức hoạt động và tương tác, trao đổi.
"Techfest thực sự đã trở thành một nền tảng liên kết, và tới nay, chúng tôi đã thống nhất phát động Techfest trở thành hoạt động trong cả năm, không chỉ dừng lại ở một hay một số sự kiện. Đó là bước chuyển mình để phục vụ tốt hơn cho hệ sinh thái" - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện và sâu rộng tới mọi mặt của kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà trực tiếp là các doanh nghiệp, vì vậy đòi hỏi hơn bao giờ hết sự quyết tâm, đồng lòng và tập trung nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đại dịch còn hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực từ quốc tế, hạn chế sự tương tác, gặp gỡ, trao đổi kinh doanh... tuy nhiên cũng là động lực cho sự đổi mới sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Tuy vậy, ngay giữa tâm bão đại dịch năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã thu hút được số lượng vốn đầu tư cao nhất từ trước tới nay, hơn 1,5 tỷ USD. Đó là minh chứng rõ ràng nhất, chắc chắn nhất cho tiềm lực và năng lực của trí tuệ Việt Nam. Hơn bao giờ hết, động lực này cần được tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ để phát triển, để tạo lập làn sóng đổi mới sáng tạo mới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Tạo mối liên kết chặt chẽ trong hệ thống đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Trần Văn Tùng mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan chính quyền hãy cùng vào cuộc, đặt ra những bài toán thiết thực để đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của từng người dân, của từng doanh nghiệp, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Techfest năm ngoái: Đổi mới sáng tạo cần bám sát chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, góp phần làm cho mọi người dân ấm no, hạnh phúc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.
Phát động TECHFEST Việt Nam 2022 được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Tiếp nối những kết quả đạt được từ 2021, bên cạnh các hoạt động trọng tâm thường niên tại các kỳ TECHFEST như diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hoạt động kết nối đầu tư, triển lãm giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo và hoạt động của các Làng công nghệ trong các lĩnh vực, chuỗi hoạt động tiếp tục được phát triển với tư duy mở, hình thành cầu nối với các thiết chế khoa học và công nghệ đã và đang hoạt động có hiệu quả như: Hoạt động chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, thị trường công nghệ, tạo nên mối liên kết chặt chẽ trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia...giúp phục vụ hiệu quả hơn các nhu cầu từ phía chính quyền, doanh nghiệp và xã hội theo mô hình đổi mới sáng tạo mở: Đặt đề bài các thách thức để khơi mở những giải pháp đổi mới sáng tạo từ người dân, phục vụ người dân, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam và góp phần hiện thực hóa tầm hình và khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho hay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người, trong đó 10% là các chuyên gia, tri thức. Đây là nguồn lực trí tuệ hết sức quý báu để chúng ta kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Cộng đồng này cũng là cầu nối để kết nối hệ sinh thái trong và ngoài nước.
Trong năm 2022, Bộ Ngoại giao sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu; tăng cường sự liên kết giữa các hội tri thức kiều bào với các làng công nghệ trong nước; thúc đẩy sự liên kết, tương tác giữa các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, đưa TECHFEST Việt Nam ra tổ chức ở nước ngoài...
Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh, TECHFEST 2021 vẫn được tổ chức và diễn ra thành công theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đã thu hút hơn 2,5 triệu người tham gia trong hơn 90 sự kiện. Đặc biệt, Chương trình Dấu ấn TECHFEST 2021 thu hút cam kết đầu tư hơn 15,1 triệu USD trong 03 ngày, góp phần vào tổng lượng đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam năm 2021 lên mức 1,5 tỷ USD.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang