Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 01:28

Thứ ba, 07/05/2024 | 01:28

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 07:32 ngày 18/04/2022

Đảm bảo an toàn thực phẩm: Không để chỉ dừng ở khẩu hiệu

Nhiều vi phạm an toàn thực phẩm đã được cơ quan chức năng thông tin trước ngày phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022 (15/4 - 15/5) khiến dư luận hết sức lo lắng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm hơn nữa của các địa phương, đơn vị chức năng, thì công tác thanh tra, kiểm tra cần được triển khai hiệu quả, tránh hình thức.
Liên tục các cảnh báo được đưa ra
Mới đây, Bộ Công Thương phát đi thông báo, khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng sản phẩm kẹo thạch sữa trái cây (XZL Milk Fruit Jelly School Bags) do có nguy cơ gây nghẹt thở vật lý khi sử dụng.
Bộ Công Thương đề nghị thu hồi kẹo socola nhãn hiệu Kinder
Trước đó, ngày 13/4/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1887/BCT-TTTN gửi tới Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam; Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam; các doanh nghiệp kinh doanh phân phối thực phẩm về việc cung cấp thông tin các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)
Trong công văn này nêu rõ, theo cảnh báo từ một số cơ quan quản lý ATTP quốc tế và của Công ty Ferrero, một số sản phẩm kẹo socola nhãn hiệu Kinder của Công ty Ferrero sản xuất tại Bỉ có khả năng bị nhiễm khuẩn Samonella spp và hiện đang được nhà sản xuất thông báo thu hồi.
Trong lĩnh vực y tế, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có Quyết định số 97/QĐ-ATTP về việc thu hồi trên toàn quốc cà phê giảm cân Hoàng Gia do không đảm bảo ATTP. Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoàng Hường quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật cũng đã bị đơn vị này xử phạt. Trước đó, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe MINHMENs, TS Anco và TS Xuyên Tâm Liên cũng đã bị Cục An toàn thực phẩm “tuýt còi” về việc quảng cáo sai sự thật đánh lừa người tiêu dùng.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, trong quý I/2022, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Kết quả, có 9 cơ sở vi phạm.
Đáng chú ý trong lĩnh vực ATTP, 7/7 tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra đều có vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; không tuân thủ đầy đủ các điều kiện chung về bảo đảm ATTP...
Đây chỉ là những trường hợp điển hình mới đây về những vi phạm ATTP được cơ quan chức năng thông tin trước ngày phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022 khiến dư luận hết sức lo lắng.
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở nghi sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn tại Thái Nguyên
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo TP. Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 với Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn diễn ra ngày 14/4, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - thông tin: “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 được triển khai trên toàn thành phố từ ngày 15/4 - 15/5.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, sự kiện còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Theo ông Vũ Cao Cương, để tăng cường hiệu quả “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022, Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP thành phố kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Không để chỉ dừng ở khẩu hiệu
Bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cho biết, đơn vị sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục của thành phố để triển khai sự kiện này. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung vào 2 nội dung chính gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, đặc biệt là các nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường hiểu rõ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời chỉ đạo các phòng giáo dục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở giáo dục có bếp ăn, căng tin để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Còn đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện công tác phòng, chống dịch cũng như triển khai hiệu quả “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022, các địa phương tăng cường chương trình liên kết vùng trong tiêu thụ nông sản. Trong đó, Sở tập trung hỗ trợ hoạt động chế biến tiêu thụ nông sản cũng như công tác bảo đảm an toàn vệ sinh đối với nguồn cung thực phẩm cho các bếp ăn ở trường học.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch với chủ đề tiếp tục nâng cao vai trò của người sản xuất kinh doanh tiêu dùng đảm bảo ATTP trong tình hình mới. Trong đó, Sở đang chuẩn bị tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn của thành phố năm 2022 với quy mô 150 gian hàng, gồm các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP trong thời gian từ ngày 26/4 - 2/5/2022 tại Trung tâm thương mại Melinh Plaza Hà Đông, Hà Nội.
Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo TP. Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 với Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn diễn ra ngày 14/4
Với chủ đề chính “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 được triển khai từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn quốc.
Cho rằng vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP làm công việc thường xuyên, liên tục, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - yêu cầu, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Hà Nội cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra để kế hoạch được triển khai hiệu quả, tránh hình thức.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông một cách công khai, minh bạch về vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng ATTP.
Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện kế hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như hậu kiểm trong việc chấp hành các quy định về vấn đề vệ sinh ATTP; chú trọng vấn đề thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Theo các chuyên gia, để công tác đảm bảo ATTP không để chỉ là khẩu hiệu mà cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, chính quyền địa phương. Cùng với đó là phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác đảm bảo ATTP.
Nguồn: Theo Báo Công Thương
lên đầu trang