Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 03:42

Thứ sáu, 10/05/2024 | 03:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:31 ngày 02/08/2013

Đầu tư khoa học công nghệ phải phù hợp với quy mô doanh nghiệp

Là một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) luôn có những bước đi mạnh mẽ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Trần Toàn, Phó tổng giám đốc phụ trách khoa học công nghệ của PTSC để hiểu hơn về những thành quả của đơn vị trong lĩnh vực này.
 
Ông Nguyễn Trần Toàn, Phó tổng giám đốc PTSC phụ trách Khoa học - Công nghệ

PV: Thời gian qua, Nghị quyết Hội nghị TƯ6 khóa XI (Nghị quyết số 20 - NQ-TƯ) về phát triển khoa học - công nghệ được triển khai thực hiện ở hầu khắp các ngành, lĩnh vực; trong đó dầu khí là ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn của đất nước, xin ông cho biết ý nghĩa của Nghị quyết 20 đối với PTSC?

PTGĐ Nguyễn Trần Toàn: PTSC đã nhận thấy tầm quan trọng của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT). Khoa học công nghệ rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp trong thời đại ngày nay. Kinh nghiệm tại PTSC cho thấy rằng, nếu áp dụng các thiết bị máy móc, công nghệ tiên tiến thì năng suất tăng, giá thành hạ nên sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh.

PV: Những khâu nào của PTSC được coi là ứng dụng CNTT hiệu quả nhất, thưa ông?

PTGĐ Nguyễn Trần Toàn: PTSC là một trong những thành viên của Petrovietnam đã áp dụng công nghệ thông tin rất sớm. Ngày nay các doanh nghiệp đều phụ thuộc vào CNTT và nếu không có mạng thì không thể làm việc được. PTSC hiện có 22 đầu mối đơn vị thành viên dùng mạng WAN để kết nối trong toàn Tổng Công ty, áp dụng các phần mềm quản lý thông tin và đã trở thành một kênh riêng, còn giao diện bên ngoài thì kết nối với hệ thống của 2 ISP khác nhau. Hệ thống hạ tầng mạng của chúng tôi luôn trong tư thế dự phòng, nếu mạng này bị trục trặc thì mạng kia sẽ hoạt động. Hệ số an toàn là gần 100%.

Không những thế, hệ thống mạng diện rộng WAN của chúng tôi cũng kết nối với hệ thống mạng WAN của Tập đoàn. Hệ thống đường truyền chính và dự phòng sử dụng cáp quang, băng thông cao. Ngoài ra, các phần mềm này được các đơn vị xây dựng dựa vào nhu cầu thực tế từ công tác sản xuất kinh doanh như ứng dụng quản lý tàu, ứng dụng quản lý dự án, ứng dụng quản lý phục vụ cho thiết kế cơ khí…

Bên cạnh đó, chúng tôi còn ứng dụng CNTT trong báo cáo tài chính và hệ thống quản trị nhân sự trong toàn PTSC. Tại Tổng Công ty có thể tra cứu tất cả các dữ liệu về nhân sự. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi có một hệ thống hoàn hảo ngay từ đầu mà phải vừa làm vừa nghiên cứu và rút kinh nghiệm và đều biết chi phí đầu tư cho CNTT không rẻ chút nào. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định phát triển CNTT phải làm sao cho phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp là một chiếc lược lâu dài.

Người lao động PTSC trên một công trình dầu khí

PV: Bên cạnh sự thành công trong việc ứng dụng CNTT thì việc áp dụng khoa học công nghệ mới cũng là một thế mạnh của PTSC trong thời gian qua?

PTGĐ Nguyễn Trần Toàn: Chúng tôi luôn xác định đây là hoạt động thường xuyên, trong các công nghệ áp dụng trong sản xuất thì các giải pháp giúp tiết kiệm chi phí hoặc rút ngắn tiến độ thi công luôn được PTSC đặc biệt chú trọng. Còn nhớ một kỷ niệm khi tôi làm Giám đốc Công ty Cơ khí hàng hải PTSC. Trong một dự án nhờ áp dụng KHCN hợp lý mà chúng tôi đã tiết kiệm gần nửa triệu USD. Lúc đó, nếu giải pháp tổ chức thi công giàn chân đế nhỏ kiểu Monopod ở độ cao 60m, biện pháp thi công lắp ráp theo phương thẳng đứng trên độ cao 60m có một phân đoạn nặng khoảng 40 tấn. Nếu theo phương pháp thông thường thì dùng loại cẩu bánh xích trọng tải 250 tấn mà thời điểm đó là phải thuê cần cẩu ở nước ngoài với chi phí nửa triệu USD. Thế nên chúng tôi phải tính toán và áp dụng các biện pháp thi công là dùng hai cẩu của đơn vị hiện có với sức nâng thấp hơn để cùng nhấc phân đoạn cuối cùng. Do đó, nếu không đưa các biện pháp công nghệ hợp lý vào quá trình sản xuất thì khó tiết kiệm chi phí như các mục tiêu đã đề ra.

PV: Vậy định hướng phát triển KHCN trong thời gian sắp tới của PTSC là gì, thưa ông?

PTGĐ Nguyễn Trần Toàn: Chúng tôi cũng theo xu thế thế giới thôi, luôn học hỏi các nước tiên tiến cũng như những công ty đi trước về mặt khoa học công nghệ nhưng làm với cách thức tiếp cận từng bước một, sao cho phù hợp với quy mô của mình và có hiệu quả nhất, như các cụ nhà ta thường nói là "liệu cơm gắp mắm". Và luôn làm theo phương án mở để tiếp tục xây lên, chứ không phải mỗi lần xây cái mới thì lại vứt bỏ cái cũ đi thì rất lãng phí.

Bên cạnh đó, dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến với hệ thống Hội thảo truyền hình (HTTH) của PTSC có khả năng họp đồng thời 12 điểm, kết nối được với hệ thống HTTH của Tập đoàn và một số đơn vị trong ngành.

PV: Thời gian qua, ông nhận thấy vai trò của Hội Dầu khí Việt Nam đối với đơn vị như thế nào?

PTGĐ Nguyễn Trần Toàn: Bản thân tôi cũng tham gia Hội Dầu khí Việt Nam, Hội hoạt động với tôn chỉ là tập hợp đội ngũ những người đã và đang làm việc mà có kinh nghiệm và trí tuệ để có thể tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp trong Tập đoàn. Đó là một tôn chỉ rất đúng hướng, rất tốt đẹp và bản chất nó phải như thế. Tuy nhiên thời gian qua các hoạt động của Hội cũng còn khiêm tốn. Nguyên nhân thì có thể từ hai phía, vừa phía doanh nghiệp vừa phía Hội. Chúng tôi cũng đang tìm hiểu để làm sao có thể đáp ứng được những tiêu chí của Hội. Tuy nhiên, trước mắt thì PTSC chưa có đơn đặt hàng nào đối với Hội.

PV: Ông nghĩ Hội nên có biện pháp gì để gắn kết với các đơn vị?

PTGĐ Nguyễn Trần Toàn: Chúng tôi cũng đang tìm hiểu, vì hiện nay PTSC tập trung vào sản xuất nhiều hơn. Tuy nhiên thời gian sắp tới, với sự phát triển của đơn vị cộng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thị trường dịch vụ dầu khí thì chúng tôi sẽ rất mong nhận được sự trợ giúp của Hội. Và giải pháp trước mắt có lẽ là cả hai bên sẽ cùng trao đổi để sử dụng nguồn chất xám rất quý báu của Hội. Mong là thời gian sắp tới hai bên sẽ phối hợp tốt hơn, đem lại hiệu quả nhiều hơn.

PV: Cảm ơn ông.

Theo www.pvn.vn

lên đầu trang