Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 08:34

Thứ ba, 14/05/2024 | 08:34

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:48 ngày 27/05/2022

Ngành xi măng đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả sản xuất

Thực hiện chủ trương sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường, thời gian qua, ngành xi măng đã tích cực đẩy mạnh đổi mới công nghệ, từng bước chuyển mạnh sang phát triển xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với ngành sản xuất xi măng của nước ta, những năm qua, ngành công nghiệp sản xuất xi măng đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những yếu tố then chốt góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất của ngành xi măng chính là nhờ việc áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất. Nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ, các loại xi măng sản xuất ở nước ta hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); tiêu chuẩn châu Âu (EN) và tiêu chuẩn của các nước như Hoa Kỳ (ASTM), Nhật Bản (JIS), Trung Quốc (GB)...
Vicem Hoàng Mai thực hiện thi công cải tạo dây chuyền xi măng. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Mới đây, tại Vicem Hoàng Mai, đơn vị này đã thực hiện sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt hệ thống lò nung có năng suất thiết kế 4.000 tấn clanh-ke/ngày, tương đương 1,26 triệu tấn clanh-ke/năm. Đây là hệ thống do hãng FCB - Cộng hòa Pháp cung cấp, lắp đặt và chuyển giao đồng bộ cách đây 20 năm. Qua đánh giá ban đầu, việc sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt đã mang lại hiệu quả rất lớn cho Vicem Hoàng Mai. Cụ thể, công suất lò nung tăng lên khoảng 300 tấn clanh-ke/ngày so với trước cải tạo (tương đương 100.500 tấn clanh-ke/năm), tăng 600 tấn clanh-ke/ngày so với năng suất thiết kế (201.000 tấn clanh-ke/năm), đem lại hiệu quả kinh tế khoảng 8,8 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, việc sửa chữa, cải tạo hệ thống lò nung còn giúp giảm hơn hai kW giờ điện/tấn clanh-ke, đồng thời giảm tiêu hao nhiệt cho sản xuất clanh-ke khoảng 45 kcal/kg clanh-ke, góp phần giảm chi phí sản xuất gần 5 tỷ đồng/năm.
Đáng chú ý, toàn bộ vật tư, thiết bị cho sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt được các đơn vị trong nước gia công, chế tạo và lắp đặt 100%. Nhờ đó, Vicem Hoàng Mai đã tiết kiệm được 20 tỷ đồng chi phí thuê chuyên gia nước ngoài, giảm được chi phí mua sắm vật tư thiết bị khoảng 2,5 tỷ đồng...
Ngoài ra, hệ thống lò nung sau cải tạo rất phù hợp cho việc sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế. Dự kiến, Vicem Hoàng Mai sẽ sử dụng từ 10% - 30% lượng rác thải làm nhiên liệu thay thế, phấn đấu trong tương lai sẽ sử dụng hơn 50% lượng nhiên liệu thay thế cho sản xuất clanh-ke.
Vicem Hạ Long đặt mục tiêu xử lý 15.000 tấn bùn thải năm 2022. (Ảnh: https://baotainguyenmoitruong.vn/) 
Trong khi đó, nhiều đơn vị khác trong Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cũng đang rất tích cực đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tham gia xử lý các nguồn rác thải công nghiệp làm nhiên liệu đốt lò, góp phần bảo vệ môi trường. Tiêu biểu là Vicem Hạ Long. Trong năm 2021, Vicem Hạ Long triển khai đốt 8.060 tấn rác thải công nghiệp, thay thế khoảng 3% nhiệt năng cho sản xuất clanh-ke. Đơn vị này cũng đã tận dụng đưa vào sản xuất hơn 145.000 tấn tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện lân cận thải ra, vừa nâng cao sản lượng vừa góp phần bảo vệ môi trường. 
Hay tại Vicem Bút Sơn - đơn vị có năng lực xử lý chất thải quy mô lớn nhất Việt Nam, các chất thải khi được đồng xử lý đã tiêu hủy hoàn toàn các thành phần gây ô nhiễm môi trường trong điều kiện nung luyện nhiệt độ cao từ 1.200 đến 2.000oC. Chất thải đốt cháy tạo thành nhiệt thay thế cho nhiên liệu than cám truyền thống, tro xỉ sau khi cháy kết tinh thành nguyên liệu xi-măng. Riêng năm 2021, Vicem Bút Sơn đã xử lý gần 92.500 tấn rác thải và 52.800 tấn bùn thải, mang lại hiệu quả kinh tế hơn 60 tỷ đồng.
Còn tại Vicem Sông Thao, đơn vị này đã triển khai đốt hơn 22.000 tấn rác thải công nghiệp, đem lại cho công ty lợi nhuận gần 3,5 tỷ đồng. 
Có thể thấy, việc nghiên cứu các giải pháp về công nghệ, thiết bị của các dây chuyền sản xuất, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất xi măng như: tăng hiệu suất thiết bị, tăng năng suất, tiết giảm tiêu hao, giảm chi phí sản xuất,...Đặc biệt, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ đang từng bước giúp ngành xi măng "xanh" hóa sản xuất, hướng tới mục tiêu giảm tối đa phát thải, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, ngành xi măng của nước ta đang đứng thứ 5 về quy mô sản xuất trên thế giới và là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Do đó, theo TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, đến năm 2030, đặc biệt đến năm 2045 phải phát triển công nghiệp xi măng đạt trình độ tiên tiến thế giới theo tiêu chí phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Theo đó, đầu tư phát triển xi măng theo hai hướng: Cải tạo nâng cấp dây chuyền hiện có, đầu tư có kiểm soát các dây chuyền mới theo công nghệ cao...
Bích Phương
lên đầu trang