Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:36

Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:36

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 12:01 ngày 09/06/2022

Gia Lai phổ biến mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai và Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã tổ chức hội nghị “Phổ biến các mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn quốc gia”.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện một số sở, ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2020, tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh. Một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 theo Kế hoạch là xây dựng khoảng 10 mô hình trở lên áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm: rau, củ, quả, mật ong, dược liệu, lâm sản,... Trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa nông lâm sản chủ lực, đặc trưng và các sản phẩm, hàng hóa OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Hội nghị "Phổ biến các mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn quốc gia" do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai và Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia phối hợp tổ chức. (Ảnh: https://baodantoc.vn/)
Cũng theo ông Tuấn, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã phối hợp triển khai 3 mô hình áp dụng truy xuất nguồn gốc, bao gồm: Cà phê Vĩnh Hiệp, Gạo Phú Thiện và Rau Đắc Pơ. Đến nay, các mô hình này đã hoàn thành và hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đã triển khai áp dụng cho đối tượng của chuỗi cung ứng sản phẩm.
Tại hội nghị, ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đã chia sẻ tổng quan về hoạt động triển khai truy xuất nguồn gốc. Các đại biểu tham dự cũng đã được giới thiệu và phổ biến các mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc của các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản. Qua đó, các đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng như sản xuất, vận chuyển, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ...có được kiến thức về việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với mã số, mã vạch, đồng thời nhận thức được lợi ích của việc triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, với người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn.
Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Gia Lai hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân, xã hội, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về hoạt động truy xuất nguồn gốc thông qua các hoạt động tuyên truyền phổ biến, đào tạo, tập huấn cho các tổ chức và cá nhân có liên quan; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; đảm bảo công khai minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh, kết nối với cổng thông tin truy xuất sản phẩm, hàng hóa quốc gia; nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa, trong đó chú trọng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực của tỉnh, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng,.
Bích Phương
lên đầu trang