Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 14:50

Thứ ba, 30/04/2024 | 14:50

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:36 ngày 17/06/2022

Hội nghị Hiệu quả năng lượng toàn cầu lần thứ 7 - Cơ hội và khuyến nghị

Bên cạnh Tuyên bố chung về thúc đẩy hiệu quả năng lượng toàn cầu, IEA cũng đưa ra các báo cáo phân tích nêu bật các cơ hội thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực, và các khuyến nghị chính sách đi kèm.
Tại Hội nghị Hiệu quả năng lượng toàn cầu lần thứ 7 do Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) khởi xướng, đại diện cấp cao các Chính phủ và Liên minh quốc tế đã cùng ngồi lại để bàn về cách thúc đẩy hiệu quả năng lượng, với mục tiêu giải quyết các cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu trong bối cảnh hiện nay. Tại đây, các nhà hoạch định chính sách đã đưa tuyên bố chung về thúc đẩy hiệu quả năng lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, IEA cũng đưa ra các báo cáo phân tích, trong đó nêu bật các cơ hội thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực; đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách đi kèm. Theo IEA, để giải quyết các cuộc khủng hoảng, cũng như củng cố an ninh năng lượng cho các quốc gia, cần tăng tốc độ cải thiện cường độ năng lượng toàn cầu, từ 2% hiện tại lên 4% trong giai đoạn từ nay đến 2030. Khi thực hiện mục tiêu này, tới năm 2030, nền kinh tế toàn cầu có thể tiết kiệm năng lượng hơn khoảng ⅓ so với năm 2030. 
Để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu, thế giới cần đạt mục tiêu tăng hiệu quả cường độ sử dụng năng lượng từ 2% lên 4% trong giai đoạn 2022-2030, theo IEA.
Cơ hội mang lại 
Theo nghiên cứu mới nhất của IEA, đẩy mạnh hành động hiệu quả năng lượng và các lĩnh vực liên quan có thể giúp cắt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng khoảng 95 EJ (tương đương 26.410 tỷ kWh) vào năm 2030 so với Kịch bản Chính sách đã tuyên bố (Stated Policies Scenario - STEPS). Nếu không có các hành động này, nhu cầu sử dụng năng lượng cuối có thể cao hơn 18% vào năm 2030, thay vì giảm 5% như mục tiêu tại kịch bản net zero.  
Ngoài ra, nghiên cứu cũng dự tính tới năm 2030, khoảng 10 triệu việc làm sẽ được tạo ra khi nâng mức đầu tư cho công nghệ liên quan đến hiệu quả năng lượng, từ xây mới tới trang bị thêm cho các tòa nhà, xây dựng hạ tầng sản xuất và giao thông. 
Tiềm năng cắt giảm nhu cầu năng lượng tồn tại ở nhiều lĩnh vực, phản ánh môi trường đa dạng của các công nghệ liên quan đến năng lượng và trong tất cả các ngành nghề. Các yếu tố có thể đóng góp tích cực cho sự cắt giảm nhu cầu năng lượng bao gồm tăng hiệu quả công nghệ, điện khí hóa, thay đổi hành vi, số hóa, vật liệu hiệu quả năng lượng và chuyển đổi nhiên liệu. Tiềm này này được dự tính là khả thi ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đạt mức tăng trưởng 40% và hỗ trợ 800 triệu người nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ năng lượng. 
Theo báo cáo, tới năm 2030, khoảng ⅓ năng lượng tiết kiệm được nhờ vào khai thác thiết bị hiệu quả năng lượng, từ điều hòa không khí tới phương tiện vận chuyển cá nhân tới cỡ lớn. Điện khí hóa giúp giảm 20% nhu cầu năng lượng, như thay thế các lò hơi đốt nhiên liệu hóa thạch bằng các lò điện hiệu quả năng lượng, sử dụng sưởi điện mức nhiệt thấp trong công nghiệp và xe điện. Thay đổi hành vi tiêu thụ năng lượng, như hạ máy điều nhiệt hay thay đổi thói quen di chuyển, cũng sẽ cắt giảm 18% nhu cầu năng lượng.
Các biện pháp khác, như ứng dụng số hóa và vật liệu hiệu quả năng lượng có thể đóng góp khoảng ⅓ lượng giảm nhu cầu. Ứng dụng bao gồm kiểm soát thông minh, tăng cường tái chế nhựa và thép phế liệu. 
Giao thông là lĩnh vực có tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng lớn nhất, với 80% nhu cầu, tương đương giảm 2,5 tỷ tấn khí thải vào năm 2030 thông qua điện khí hóa, cải thiện hiệu quả các động cơ đốt trong, thay đổi hành vi...
Tiềm năng trong các lĩnh vực chính
Theo Kịch bản net zero, giao thông là lĩnh vực có tiềm năng giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Năm 2020, tiêu thụ năng lượng trong giao thông vào khoảng 105 EJ, tạo ra khoảng 27% tổng lượng phát thải toàn cầu liên quan đến năng lượng. Các hành động sớm, như điện khí hóa, cải thiện hiệu quả các động cơ đốt trong, thay đổi hành vi và một số biện pháp tránh sử dụng năng lượng khác có thể giúp giảm khoảng 2,5 tỷ tấn khí thải, gần 80% nhu cầu năng lượng cho giao thông vào năm 2030. 
Các lĩnh vực năng lượng tòa nhà và công nghiệp cũng được đánh giá có tiềm năng cắt giảm nhu cầu năng lượng cao. Với tòa nhà, tiềm năng tiết kiệm tương đương 37 GJ, tương đương giảm 1,2 tỷ tấn phát thải. Lĩnh vực công nghiệp có thể cắt giảm 18 GJ, tương đương giảm 1,3 tỷ tấn phát thải trong vòng 8 năm tới. 
Riêng đối với tiêu thụ năng lượng cho hộ gia đình, được dự báo có thể giảm tới 650 tỷ USD chi phí năng lượng tới năm 2030. Các ứng dụng hiệu quả năng lượng được khuyến nghị đa dạng, từ thay đổi hành vi, điện khí hóa thiết bị sử dụng năng lượng tới chuyển đổi nhiên liệu sử dụng, kiểm soát thông minh và sử dụng vật liệu hiệu quả năng lượng. 
Tăng hiệu quả năng lượng không chỉ giúp giảm tiêu thụ khoảng 55 EJ dầu mỗi năm, tương đương 30 triệu thùng dầu/ngày, mà còn giúp cắt giảm chi phí năng lượng từ 400 tỷ USD xuống còn hơn 1.000 tỷ USD. Lượng tiêu thụ dầu cắt giảm được cũng đến từ các hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp và tòa nhà. 
Phân tích chỉ ra mức giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn tiếp theo đến từ khí tự nhiên, với khoảng 23 EJ mỗi năm, tương đương 650 bcm. Khoảng 17 EJ than có thể cắt giảm, tương đương gần 500 megaton. Mức giảm chủ yếu đến từ lĩnh vực công nghiệp do thay thế bằng điện và năng lượng sinh học. 
Khuyến nghị chính sách
Tại Hội nghị, IEA cung cấp bộ công cụ chính sách nhằm hỗ trợ các chính phủ xây dựng, ra quyết định và thực hiện các hoạt động chính sách. Bộ công cụ được xây dựng gồm hai phần. Phần thứ nhất là 10 nguyên tắc chiến lược dựa trên các khuyến nghị của Ủy ban hành động khẩn cấp về hiệu quả năng lượng toàn cầu, tập hợp các bài học kinh nghiệm về tối đa hóa tác động tích cực của các chính sách và chương trình hiệu quả năng lượng. Phần thứ hai tập hợp các gói chính sách theo ngành, nêu bật các chính sách quan trọng, cách chúng được sử dụng, tích hợp vào một bộ chính sách và hành động nhất quán để đem lại hiệu quả nhanh và mạnh mẽ. 
Các gói chính sách được trình bày theo cách tiếp cận thực tế để việc thiết kế, thực thi chính sách được thực hiện trên nền tảng ba yếu tố: quy định, thông tin và khuyến khích. 
1. Ưu tiên hành động hiệu quả năng lượng xuyên suốt vì lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường
Phương pháp tiếp cận toàn chính phủ, ưu tiên hành động xuyên suốt, tối đa hóa hiệu quả sử dụng năng lượng trong tất cả các lĩnh vực xã hội; tăng cường phát triển kinh tế-xã hội, an ninh năng lượng và khả năng phục hồi, đẩy nhanh quá trình khử carbon trong ngành năng lượng.
2. Hành động để mở ra tiềm năng tạo việc làm hiệu quả năng lượng
Sử dụng hiệu quả năng lượng để tăng cơ hội việc làm, phát triển lĩnh vực việc làm bền vững, lâu dài. Nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng để thực hiện chính sách hiệu quả. 
3. Tạo ra nhu cầu lớn hơn về các giải pháp hiệu quả năng lượng
Nhân rộng hiệu quả năng lượng thông qua tập trung tăng nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ hiệu quả năng lượng và tạo điều kiện cho thị trường hiệu quả năng lượng hoạt động ở mức độ lớn hơn.
4. Tập trung vào tài chính trong bối cảnh mở rộng quy mô hành động
Tập trung vào các công cụ tài chính có thể tiếp cận rộng rãi, phương pháp chặt chẽ để thúc đẩy quy mô thị trường; kết hợp các biện pháp kích thích nhu cầu với hạ bỏ các rào cản đầu tư, tạo điều kiện thu hút và tăng cường đầu tư khu vực tư nhân.
5. Tận dụng sự đổi mới kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả toàn hệ thống
Tận dụng tiềm năng kỹ thuật số để tăng cường kiểm soát thông minh, quản lý năng lượng tốt hơn và tối ưu hóa hệ thống. Sử dụng chính sách để kích hoạt và khuyến khích các giải pháp mới, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng bà bảo mật hệ thống. 
6. Nâng cao vai trò dẫn đầu của khu vực công
Các chính phủ dẫn đầu thông qua đầu tư công cho hiệu quả năng lượng và thúc đẩy đổi mới, áp dụng tiêu chuẩn cao để xây dựng kinh nghiệm, thị trường, kiến thức và niềm tin vào các giải pháp hiệu quả năng lượng.
7. Thu hút mọi thành phần xã hội
Xây dựng chính sách nhằm thu hút mọi thành phần xã hội, từ các thành phố, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, để có thể đóng góp vào hiệu quả năng lượng chung. 
8. Tạo ra chính sách hiệu quả dựa trên hiểu biết sâu sắc về hành vi 
Xây dựng các chính sách thông minh, hiệu quả dựa trên những hiểu biết sâu sắc của khoa học hành vi, lấy con người làm trung tâm của hành động hiệu quả năng lượng, hưởng lợi từ khả năng tiếp cận cơ hội hành động nhiều hơn với chi phí thấp hơn và môi trường lành mạnh, thoải mái hơn.
9. Tăng cường hợp tác quốc tế
Hợp tác, trao đổi quốc tế, học hỏi lẫn nhau để hài hòa các phương pháp tiếp cận, tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng cũng như thúc đẩy nhanh việc áp dụng chính sách và chuyển dịch thị trường. 
10. Nâng cao tham vọng hiệu quả năng lượng toàn cầu
Nắm bắt các tiềm năng đáng kể chưa được khai thác để mang lại lợi ích kinh tế, năng lượng và môi trường. 
Nguồn: scp.gov.vn/
lên đầu trang