Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 10:06

Thứ sáu, 03/05/2024 | 10:06

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:26 ngày 22/06/2022

Phát triển kinh tế xanh và vai trò của báo chí

Thể hiện vai trò của mình, báo chí đã truyền tải những chính sách, thông điệp tốt đẹp đóng góp vào phát triển kinh tế xanh, bền vững của đất nước.
Một nền kinh tế phát triển bền vững khi có chiến lược đúng đắn và cập nhật thường xuyên tiến bộ mới của khoa học - công nghệ… Để có được thông tin nhanh nhạy, thời gian qua, truyền thông nói chung, báo chí nói riêng có vai trò quan trọng trong việc góp phần thay đổi nhận thức của xã hội với phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Thay đổi nhận thức của doanh nghiệp
Tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Đảng ta đã sớm xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội.
Báo chí góp phần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, xã hội với phát triển kinh tế xanh, bền vững
Tuy nhiên, hơn một thập kỷ trước, nhiều người vẫn coi tăng trưởng xanh là một điều gì đó xa vời, của riêng ai. Vì vậy, hiện tượng xả thải, gây ô nhiễm môi trường xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế của đất nước.
Đến năm 2013, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, thì xã hội, doanh nghiệp, mỗi người dân mới giật mình nhìn lại, đồng thời có những hành động tích cực để bảo vệ môi trường.
Cũng trong giai đoạn này được coi là “kỷ nguyên của thông tin, truyền thông”, đã tham gia trực tiếp vào lực lượng sản xuất xã hội, góp phần thay đổi nhận thức cho mỗi người rằng chính con người sẽ quyết định sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.
Theo đó, những thông tin phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã tạo sức ép dư luận với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Vai trò của báo chí được thể hiện rõ qua vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường như của Công ty TNHH Vedan Việt Nam, Công ty Miwon Phú Thọ xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường sông, vụ xả thải ở Fomusa, vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò...
Thể hiện vai trò của mình, báo chí còn nỗ lực truyền tải những chính sách, thông điệp tốt đẹp để đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường, sự phát triển bền vững của đất nước.
Thời gian qua, hàng trăm sự kiện với hàng nghìn tin, bài về sự kiện môi trường được cơ quan thông tấn đăng tải như: Chiến dịch giờ trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn… đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường.
Có thể kể tới như Nestlé Việt Nam, từ cuối năm 2019 tập đoàn đã thay đổi nhận thức xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính theo từng giai đoạn, tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong toàn bộ hoạt động và chuỗi cung ứng. Đồng thời cam kết đến năm 2025, 100% bao bì sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng…
Hay mới đây, Tetra Pak phối hợp với Aeon Mall phát động ngày hội “Tái chế rác thải - Bảo vệ tương lai” và chương trình thu gom vỏ hộp giấy.
Bà Lương Thanh Thư - Giám đốc phụ trách phát triển bền vững, Công ty Tetra Pak Việt Nam - chia sẻ: Việc thu gom và tái chế vỏ hộp giấy nằm trong lộ trình của công ty hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon. Mọi sản phẩm hộp giấy của Tetra Pak sẽ được sản xuất 100% bằng vật liệu tái sinh, có thể tái chế được và được tái chế hoàn toàn sau khi sử dụng. Thông qua truyền thông, Tetra Pak kỳ vọng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thu gom, tái chế đến nhiều hệ thống bán lẻ hơn nữa, từ đó khuyến khích thói quen thu gom vỏ hộp giấy của người dân và lan rộng hành động ý nghĩa này ra toàn xã hội.
Báo Công Thương và dấu ấn truyền thông bảo vệ môi trường
Ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, song những hoạt động này cũng phát sinh một số vấn đề liên quan đến môi trường. Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, Báo Công Thương đã chủ động, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững.
Chương trình chính sách - đối thoại về vấn đề môi trường của Báo Công Thương được độc giả quan tâm, đánh giá cao
Cụ thể, trên Báo Công Thương đã có chuyên mục môi trường; năng lượng với cuộc sống; sản xuất sạch hơn... Đặc biệt, trong chương trình chính sách - đối thoại về vấn đề môi trường, nhiều đề tài được độc giả quan tâm, đánh giá cao, có thể kể đến như: “Phát triển công nghiệp hướng đến nền kinh tế ít carbon”; “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh”; “Khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và tái chế nguyên vật liệu trong sản xuất cho các doanh nghiệp”…
Là một trong những khách mời đã tham dự chương trình tọa đàm chính sách - đối thoại của Báo Công Thương, ông Nguyễn Đình Thanh –- Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Hóa chất Sơn Hà Nội - chia sẻ: “Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm với môi trường nhưng chúng tôi không ngại tham gia chương trình tọa đàm của Báo Công Thương. Qua truyền thông, chúng tôi muốn chia sẻ việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường, bảo đảm phát triển bền vững. Thông qua chương trình đối thoại, bản thân doanh nghiệp được nghe chuyên gia chia sẻ rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, con người, sự phát triển bền vững như thế nào? hay đơn giản là việc doanh nghiệp cần biết việc xả thải như thế nào là đúng?...”.
Nhiều chuyên gia kinh tế tham dự chương trình tọa đàm của Báo cũng nhận xét: Báo chí nói chung và Báo Công Thương nói riêng có vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường… Thông qua tiếng nói của báo chí đã giúp định hướng, thay đổi nhận thức của xã hội, đồng thời tác động đến cơ quan chức năng để có giải pháp, chế tài xử phạt triệt để những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, công tác truyền thông cần luôn đổi mới để cân bằng được lượng thông tin giữa cái được và cái chưa được trong công tác bảo vệ môi trường.
Việt Nam đang trên đà đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế, nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu. Với vai trò truyền thông, mỗi phóng viên báo chí nói chung và Báo Công Thương nói riêng luôn xác định cần có trách nhiệm trong việc tuyên truyền những cam kết và hành động của Chính phủ mạnh mẽ hơn nữa.
Nguồn: congthuong.vn
lên đầu trang