Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:19

Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:19

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 15:41 ngày 05/05/2023

Cao chiết Rau đắng biển (Bacopa monnieri) cải thiện hành vi tự kỷ theo cơ chế liên quan đến protein PTEN trên mô hình chuột thực nghiệm gây bởi muối natri valproat

Tóm tắt: 
Nghiên cứu tiền đề của các tác giả đã chứng minh được tác dụng cải thiện khiếm khuyết hành vi của cao chiết Rau đắng biển (BME) trên mô hình chuột tự kỷ gây bởi muối natri valproat (VPA). Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu thêm về tác dụng cải thiện một số hành vi thần kinh và cơ chế hóa sinh của BME. Chuột nhắt trắng cái mang thai 12-13 ngày được chia ra thành lô sinh lý và lô bệnh lý (tiêm phúc mạc bằng nước muối sinh lý hoặc VPA với liều 500 mg/kg). Lô sinh lý và lô bệnh lý lần lượt là lô chuột con có mẹ được tiêm nước muối sinh lý hoặc tiêm VPA và được uống nước cất trong suốt quá trình nghiên cứu. Lô điều trị gồm chuột con có mẹ được tiêm VPA và chuột mẹ sau khi sinh được uống BME hoặc nước cất cho đến khi con được 13 ngày tuổi. Từ 14 ngày tuổi, chuột con rối loạn tự kỷ được trực tiếp uống BME (50 mg/kg) nước cất trong suốt quá trình thí nghiệm.
Các thử nghiệm hành vi (tự chải chuốt và giao tiếp xã hội) được đánh giá vào ngày tuổi thứ 20 và 30. Vào ngày tuổi thứ 40, não chuột được tách ra để đánh giá mức độ biểu hiện của protein PTEN bằng kỹ thuật Western blot. Kết quả cho thấy, BME liều 50 mg/kg có tác dụng cải thiện tự chải chuốt lại và thiếu hụt hành vi tương tác xã hội trên chuột tự kỷ 20 và 30 ngày tuổi; đồng thời có tác dụng phục hồi sự giảm mức độ biểu hiện của protein PTEN ở vỏ não chuột tự kỷ. Những kết quả này đã chứng minh, BME có tác dụng cải thiện một số hành vi cốt lõi của bệnh tự kỷ thông qua cơ liên quan đến phục hồi sự giảm mức độ biểu hiện protein PTEN trong vỏ não chuột tự kỷ thực nghiệm.
Từ khóa: hành vi lặp lại, lo âu, muối natri valproat, rau đắng biển, tương tác cộng đồng, tự kỷ.
Nghiên cứu cho thấy Rau đắng biển (Bacopa monnieri) cải thiện hành vi tự kỷ (Ảnh: drbacsi.com/)
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Phạm Thị Nguyệt Hằng1*, Phạm Anh Tùng2, Trần Nguyên Hồng1, Lê Thị Xoan1, Nguyễn Thị Lập2, Nguyễn Thị Hiền3
1Khoa Dược lý - Sinh hóa, Viện Dược liệu, 2Trường Đại học Dược Hà Nội, 3Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông
(Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Số 5 - tháng 5/2022)
lên đầu trang