Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:47

Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:47

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:56 ngày 10/08/2022

Cảnh báo sớm: Giảm rủi ro cho hàng xuất khẩu

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang bị các nước áp dụng biện pháp PVTM với tần suất ngày càng gia tăng. Vì thế, công tác cảnh báo sớm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Hiện tượng hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất ngày càng gia tăng. Vì thế, công tác cảnh báo sớm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và lâu dài.
Gia tăng các vụ việc điều tra
Số liệu mới nhất từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7/2022, hàng hóa XK của Việt Nam đã là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm tỷ lệ 78%. Có một xu hướng đáng lưu ý, đó là số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa XK từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do cáo buộc Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính hoặc các hình thức khác nhau để lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang được áp dụng với một quốc gia/lãnh thổ khác.

Các doanh nghiệp cần theo dõi thường xuyên cảnh báo về phòng vệ thương mại
Đánh giá về thực tế này, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - cho hay, PVTM đang là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập. XK tăng lên thì tần suất bị điều tra phòng vệ thương mại tăng lên là điều có thể lý giải được. Điều này cũng thể hiện năng lực sản xuất, XK của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, đủ sức cạnh tranh và gây sức ép với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này buộc phải sử dụng phòng vệ thương mại như là “phao cứu sinh” để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo nguy cơ hàng hóa XK của Việt Nam đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ lớn hơn khi nền kinh tế thực hiện các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do quan trọng, điển hình như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP… Trong đó, nhiều dự báo đưa ra, các sản phẩm bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM sẽ đa dạng không chỉ giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch XK lớn, mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng XK trung bình và nhỏ. Thị trường điều tra cũng mở rộng hơn, ngoài các thị trường truyền thống, thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, Canada… và nhiều thị trường chưa từng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với hàng hóa XK của Việt Nam như Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn, các nước đang có xu hướng thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, doanh nghiệp (DN) bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. “Đặc biệt, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên cao do một số nước chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba có sự phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam làm giá trị thay thế trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, thay vì sử dụng dữ liệu do ta cung cấp” - ông Trung khuyến nghị.
Công tác cảnh báo là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài
Trước các nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại do xu thế bảo hộ gia tăng, ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn khuyến nghị DN là không nên “bỏ trứng vào một giỏ” nhằm phân tán các rủi ro khi chúng ta chỉ tập trung vào một hai thị trường. Mặt khác, trong bối cảnh các nước có xu hướng áp dụng các quy định chặt chẽ hơn khi xác định xuất xứ để áp dụng biện pháp bảo hộ, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại thì giải pháp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nước thì mới có thể phát triển bền vững, giảm thiểu được nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Chu Thắng Trung cho biết, công tác cảnh báo sớm được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của Cục. Theo đó, việc đẩy mạnh cảnh báo, dự báo các nguy cơ đóng vai trò quan trọng, bởi sẽ sớm giúp các DN có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời nhằm tăng cường đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Chu Thắng Trung thông tin, công tác cảnh báo sớm được Cục Phòng vệ thương mại triển khai từ năm 2019, đến nay đã có 37 mặt hàng trong danh sách cảnh báo, và đã có 8 sản phẩm trong danh sách bị điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể như sản phẩm gỗ dán cứng, đệm mút, lốp xe ôtô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, ghế bọc đệm, gạch men, tủ gỗ. Ngay trong danh sách mặt hàng được cảnh báo tính đến tháng 7/2022 vừa được Cục Phòng vệ thương mại công bố, có 12 mặt hàng thuộc diện có nguy cơ cao sẽ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như gỗ, thép, gạch men, đá nhân tạo, pin năng lượng mặt trời, xe đạp điện… “Dựa trên danh sách này các DN cần chủ động các biện pháp ứng phó, đồng thời thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin với Cục phòng vệ thương mại để phòng tránh các thiệt hại nếu bị điều tra”- ông Trung khuyến nghị.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại:
Định kỳ hàng quý, Cục phòng vệ thương mại đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng, hiệp hội, DN và các bên liên quan có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang