Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:29

Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:29

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:38 ngày 10/07/2022

Xuất khẩu vào EU: Lưu ý Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon

Là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, song EU đang áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đã hình thành các rào cản buộc doanh nghiệp Việt phải lưu ý.
Theo ông Rasmus Nedergaard - chuyên gia về năng lượng tái tạo của Tổ chức Act Renewable có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức, Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU), chiếm tỷ trọng 1,8%. 3 quốc gia EU nhập khẩu nhiều vào Việt Nam là Hà Lan 7,849 tỷ euro; Đức 7,68 tỷ euro và Italia 3,519 tỷ euro.
Tuy nhiên, trong xu thế ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050 (zero các-bon), EU đã đưa ra nhiều cơ chế, trong đó phải kể đến Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM). Đây là tình trạng doanh nghiệp EU tìm cách chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều các-bon ra nước ngoài.
Việc bị áp dụng Cơ chế CBAM sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng
Với cơ chế này, CBAM áp dụng một loạt thuế nhập khẩu. Mức thuế phụ thuộc vào hàm lượng phát thải trong sản xuất cũng như chênh lệch giá các-bon theo ETS (hệ thống thương mại khí thải) của EU và giá tại nước sản xuất.
Đặc biệt, ông Shailesh Telang - chuyên gia thuộc Tổ chức Act Renewable - cho biết, CBAM đang áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu thuộc các ngành điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng. Các doanh nghiệp có thời gian quá độ là 2 năm (từ 1/1/2023 đến 31/12/2024) để kiểm kê khí nhà kính trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc phát thải của các đơn vị thuộc chuỗi cung ứng.
"Phạm vi các ngành sản xuất bị điều chỉnh bởi Cơ chế CBAM sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai, gồm nhiều sản phẩm hơn. Vì thế, CBAM sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong thời gian tới" - ông Shailesh Telang khuyến cáo.
Trước thực tế trên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cần nghiên cứu cơ chế CBAM, đồng thời nhận thức rõ giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược của thế giới và cả Việt Nam. Bởi trên thực tế, các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã, đang xây dựng các cơ chế tương tự để thực hiện các cam kết, cắt giảm phát thải khí nhà kính, cân bằng giá các-bon giữa sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu. Vấn đề chỉ là áp dụng vào thời điểm nào mà thôi.
Để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thị trường nhập khẩu, mới đây, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn đã được ban hành. Đặc biệt, theo Quyết định 01/2022/QĐ-CP ban hành danh mục, lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí, đã công bố danh sách gần 2.000 doanh nghiệp phải thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, cần có thêm những chính sách hỗ trợ, thậm chí đưa ra cam kết buộc doanh nghiệp phải giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền sản xuất xanh, phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu hiện nay.
Hàng hóa sau khi bị áp dụng Cơ chế CBAM sẽ trở nên đắt đỏ hơn và giảm khả năng cạnh tranh, trừ khi doanh nghiệp thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn: congthuong.vn/
lên đầu trang