Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:35

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:35

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 14:56 ngày 10/08/2022

Hòa Bình: Khó quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở không đăng ký

Hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở không đăng ký khiến ngành công thương Hòa Bình gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Hòa Bình hiện có 5.032 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó cơ sở thực phẩm tuyến tỉnh quản lý là 32 cơ sở, còn lại 5.000 cơ sở thực phẩm do tuyến huyện quản lý. Trong đó, số cơ sở thực phẩm phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 19/19 cơ sở.
Ông Bùi Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho biết: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh thuộc ngành Công Thương quản lý hầu hết là nhỏ, lẻ mà theo quy định của Bộ Y tế hiện nay thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nên rất khó khăn cho công tác quản lý.
Do vậy, thời gian qua để nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Hòa Bình đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn.
“Tuyên truyền đến người tiêu dùng hiểu biết rõ về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ người tiêu dùng”, ông Bùi Xuân Hùng chia sẻ.
Theo đó, các nội dung truyền thông chủ yếu hướng dẫn cách lựa chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, không chấp nhận những sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Đồng thời, phê phán, tố cáo, khiếu nại với các cơ quan quản lý nhà nước xử lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cũng như đăng tải các thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm trên website của Sở Công Thương, Bản tin Công thương, các cơ quan truyền thông tại địa phương.
Nhờ đó đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, người tiêu dùng đã có thêm những thông tin kiến thức và từ đó nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Để hạn chế tối đa các vụ việc mất an toàn thực phẩm, Sở Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trong lưu thông, sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hòa Bình trực tiếp đi kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm
Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 24/KH-BCĐATTP ngày 17/01/2022 của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022, Kế hoạch số 86/KHBCĐATTP ngày 13/4/2022 của Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình về việc triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022, trong đó: Chủ trì 02 đoàn kiểm tra liên ngành và cử cán bộ tham gia 4 đoàn kiểm tra liên ngành, cụ thể: Đoàn liên ngành Sở Công Thương chủ trì kiểm tra 20 cơ sở; số vụ vi phạm: 3 cơ sở; số tiền phạt vi phạm hành chính là 8.000.000 đồng.
Việc tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đã giúp các ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước nắm được thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, kịp thời nhắc nhở và xử lý những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Một trong những khó khăn nữa trong công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng được ông Hùng chia sẻ đó là do một phần thiếu hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả sức khỏe và an toàn của cộng đồng của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khi đông đảo người thu nhập trung bình và thấp thì chưa có điều kiện để chọn thực phẩm sạch do có giá cao.
Thêm vào đó, kinh phí để triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dành cho ngành còn rất hạn chế. “Năm 2022 Sở Công Thương Hòa Bình được cấp 270 triệu đồng cho công tác quản lý an toàn thực phẩm”, ông Hùng chia sẻ.
Từ nay đến cuối năm công tác an toàn thực phẩm sẽ càng khó khăn và phức tạp, do vậy, ngành Công Thương xác định cùng với công tác phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong địa bàn tỉnh để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trong lưu thông sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành quản lý; xây dựng mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang