Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:00

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:00

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:58 ngày 15/08/2022

Nguồn nhân lực 4.0, tiền đề cho sự phát triển mới

Theo định hướng phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm nghiên cứu phát triển… Để đạt được các mục tiêu này, thành phố cần các nguồn lực đủ mạnh, trong đó nguồn nhân lực 4.0 giữ vai trò rất quan trọng.
Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh, xuất hiện các lĩnh vực kinh doanh mới làm thay đổi cơ cấu ngành nghề của Thành phố Hồ Chí Minh. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng thúc đẩy nhiều ngành nghề mới phát triển. Trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), phân tích dữ liệu, Internet vạn vật (IoT) và robot được cho là sẽ làm giảm bớt các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp và lặp đi lặp lại. Số hóa tạo ra các công việc mới như tạo ra các nhà phân tích dữ liệu, các nhà tiếp thị phương tiện truyền thông xã hội hoặc thiết kế ứng dụng vạn vật kết nối dựa trên nền tảng Internet làm tăng giá trị, năng suất, hiệu quả công việc cũng như gián tiếp làm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) trong giờ thực hành.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tuyển dụng lao động, nhất là lao động kỹ thuật cao gắn với công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện gặp nhiều khó khăn. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Trường đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Trước yêu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư, khuyến khích các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, nhưng đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật lại thiếu.
Theo một số doanh nghiệp, nguyên nhân khó tuyển lao động có trình độ phù hợp là các doanh nghiệp không tuyển được lao động tại chỗ, đa số lao động được tuyển từ các tỉnh là lao động phổ thông không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực, không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo.
Chất lượng nguồn nhân lực phải xuất phát từ giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ có trình độ đại học trở lên trong 5 năm gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 20% lực lượng lao động. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng với yêu cầu hiện tại và khó phù hợp với sự phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong các năm gần đây, có tới 20%-30% số lao động thất nghiệp là lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ ba tháng trở lên. Trong khi đó, khảo sát sơ bộ của nhóm nghiên cứu đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” tại các trường đào tạo nhân lực bậc trung cấp và cao đẳng do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh quản lý cho thấy, các chương trình đào tạo chưa được cải tiến, thiếu đào tạo các kỹ năng, đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa có trình độ thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn.
Mức độ sẵn sàng cho thay đổi các chương trình đào tạo đáp ứng các kiến thức nền về cách mạng công nghiệp 4.0 như đào tạo công nghệ thông tin và dữ liệu lớn; tăng đầu tư phòng máy tính, các trung tâm nguồn mở, chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, chỉ gần 10% tổng số cơ sở điều tra.
Dự báo xu hướng phát triển nguồn nhân lực dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số đang và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến phân công công việc xã hội của mọi tầng lớp nhân dân. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các công nghệ số mới nổi như blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật có thể tạo ra những bước nhảy vọt về cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy logistics phát triển và trở thành xu thế chủ đạo để thay đổi nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường lao động.
Do đó, những vấn đề đặt ra trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh để bắt kịp với yêu cầu phát triển đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành nhấn mạnh: Thực tiễn đòi hỏi thành phố phải tạo được chuyển biến căn bản trong công tác giáo dục-đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng thông qua việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng đội ngũ đào tạo, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất.
Ngoài ra, thành phố cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, trong đó, cần tái cấu trúc lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do thành phố quản lý. Thành phố cần có chính sách thu hút người tài phục vụ trong những ngành nghề cốt lõi, mũi nhọn trong phát triển kinh tế số... Đây thật sự là những bài toán cần nhiều sự quan tâm, giải quyết để có thể tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố trong tương lai.
Theo Báo Nhân dân
lên đầu trang