Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 00:19

Thứ sáu, 03/05/2024 | 00:19

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:54 ngày 22/08/2022

Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm

Doanh nghiệp Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ ý tưởng, công nghệ đổi mới với đối tác Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vữngĐó là lời khẳng định của ông Carsten Baltzer Rode – Đại diện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch trong buổi Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững” diễn ra tại Hà Nội sáng 17/8 vừa qua.
Trên thế giới, ít có quốc gia nào như Đan Mạch có thể triển khai hiệu quả mô hình nông nghiệp xanh, thực phẩm bền vững với chất lượng vượt trội, chi phí đầu vào ít cùng khả năng phát thải thấp. Thành quả này có được nhờ thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững trong nhiều năm, áp dụng đồng thời những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
Mô hình nông nghiệp xanh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất (Ảnh minh họa: blogspot.com)
Nhờ đó, Đan Mạch được coi là “người tiên phong” trong mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững. Thậm chí, nhiều quốc gia trên thế giới còn bày tỏ mong muốn quan tâm, triển khai áp dụng vào quá trình sản xuất trong nước. Đây cũng là tiền đề mang đến một lượng khách hàng tiềm năng cho các công ty Đan Mạch – những công ty trực tiếp nắm giữ công nghệ, mô hình sản xuất tân tiến cho nền nông nghiệp bền vững.
Đối với Việt Nam, các công ty nông nghiệp của Đan Mạch đã tham gia và có nhiều đóng góp tích cực trong việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp phát thải thấp, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại COP26 là đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Mới đây nhất, 13 công ty, doanh nghiệp đi đầu trong các lĩnh vực giải pháp chăn nuôi và sản xuất thực phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm, nguyên liệu và giải pháp điều tiết nhiệt độ của Đan Mạch đã tiếp tục có buổi làm việc, chia sẻ với các đối tác Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững” diễn ra tại Hà Nội sáng 17/8.
Toàn cảnh buổi hội thảo sáng ngày 17/8 tại Hà Nội.
Thông qua sự kiện, các doanh nghiệp đến từ Đan Mạch đã có những chia sẻ thẳng thắn về quy trình sản xuất, khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm cho các đối tác là những công ty, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, hai bên cũng có những liên hệ, chương trình hợp tác cụ thể nhằm hướng tới việc chuyển giao, áp dụng mô hình sản xuất bền vững vào canh tác nông nghiệp ở Việt Nam.
Chẳng hạn trong lĩnh vực chăn nuôi, ACO FUNKI là một trong những nhà cung cấp hàng đầu châu Âu về thiết bị chuồng trại cho các cơ sở chăn nuôi heo trên toàn thế giới. Trong kết quả nghiên cứu, đơn vị này tập trung phát triển và sản xuất ra các trang thiết bị cho các trang trại theo mô hình sản xuất khép kín từ hệ thống chuồng, hệ thống sàn, hệ thống nước, hệ thống thải, hệ thống thức ăn khô và lỏng,.. Áp dụng mô hình này sẽ đem lại các giải pháp chăn nuôi hiệu quả, hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng chi phí sản xuất giảm.
Mô hình sản xuất khép kín của ACO FUNKI từ hệ thống chuồng, hệ thống sàn, hệ thống nước, hệ thống thải, hệ thống thức ăn khô và lỏng,..
Tăng cường hiệu quả cho mô hình trang trại của ACO FUNKI, các khách hàng Việt Nam có thể tham khảo giải pháp của SKOV về hệ thống thông gió và hệ thống quản lý trong quá trình sản xuất. SKOV là một trong những tập đoàn hàng đầu trên thị trường quốc tế trong việc cung cấp hệ thống thông gió, mang đến điều kiện tối ưu và bầu khí hậu trong lành nhất cho sự phát triển của các loài gia súc. Đồng thời, hệ thống quản lý trại chăn nuôi của SKOV còn cung cấp cho nhà sản xuất một cái nhìn tổng thể về tình hình sản xuất quy mô hộ gia đình, quy mô trang trại và cả cấp độ doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp nâng cao khả năng kết nối giữa các trại chăn nuôi, ứng dụng công nghệ số giúp chủ trại chăn nuôi có thể dễ dàng quản lý, kiểm soát tình hình trang trại, hướng đến nâng cao hoạt động sản xuất dựa trên kết quả cụ thể.
Trong khi đó, Cloudfarms lại là giải pháp đầy đủ đầu tiên dựa trên điện toán đám mây để quản lý và phân tích dữ liệu sản xuất cho nhà trại sản xuất heo thịt ở mọi quy mô. Ứng dụng của đơn vị này giúp cung cấp phương pháp quản lý quy trình sản xuất thịt heo hiện đại thông minh nhất, bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất heo, làm giống, nhân giống và quản lý đàn hạt nhân. Với khả năng tương thích dễ dàng với các dòng điện thoại thông minh, sử dụng thuận tiện, Cloudfarms là ứng dụng mà các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất chăn nuôi Việt Nam nên áp dụng, phục vụ cho mục tiêu phát triển mô hình sản xuất khép kín tại các trang trại.
Ứng dụng Cloudfarms giúp dễ dàng quản lý quy trình sản xuất thịt heo hiện đại, thông minh nhất.
Ngoài những chia sẻ của các đơn vị trong sản xuất chăn nuôi, hội thảo còn đón nhận ý kiến từ các đơn vị, doanh nghiệp Đan Mạch trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp quan trọng khác như: trồng trọt, công nghệ sản xuất thực phẩm, nguyên liệu, bảo quản sản phẩm,… Đây đều là những chia sẻ quan trọng, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp sang mô hình sản xuất bền vững, kinh tế xanh.
Quang Ngọc - Phương Loan
lên đầu trang