Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:42

Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:53 ngày 24/10/2022

Phát triển ngành Cơ khí gắn với nâng cao tỉ lệ nội địa hóa

Với khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, ngành Cơ khí đã bước đầu hình thành được một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực.
Làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều sản phẩm
Dấu hiệu ấn tượng là đã và đang hình thành mô hình cụm ngành (cluster) về ngành cơ khí chế tạo (như Khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast...).
Đặc biệt, trong giai đoạn này chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của ngành Cơ khí khi các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực và thực hiện tổng thầu thành công nhiều công trình lớn với tỷ lệ nội địa hóa cao, trong các lĩnh vực như: Thiết bị toàn bộ cho các công trình lớn, các công trình trọng điểm điện, thép, xi măng, alumin, khai thác và chế biến khoáng sản, đường, chế biến mủ cao su…; Chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công của các nhà máy thủy điện lớn, nhỏ.
Nhà máy Điện mặt trời nổi Đa Mi
Ngành Cơ khí phục vụ nông nghiệp, khai thác và chế biến than, khoáng sản đều có những tiến bộ vượt bậc. Cùng với các cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, khoa học và công nghệ đã góp phần tạo ra những chuyển biến của ngành khi tác động vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo đến hoàn thiện sản phẩm…
Với phương châm khoa học và công nghệ là động lực chính thúc đẩy phát triển, doanh nghiệp là trọng tâm của hoạt động khoa học và công nghệ, nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước nâng cao tiềm lực, đổi mới công nghệ, làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng có hiệu quả vào thực tế và được đánh giá cao. Nhiều công trình đã nhận được Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC).
Phát triển sản xuất cơ khí tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song phải nhìn nhận thực tế, năng lực và trình độ ngành Cơ khí còn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Mặt khác, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm so với nhu cầu ngành Cơ khí chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, chưa coi trọng đầu tư cho việc đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, nhân lực khoa học và công nghệ trong công nghiệp cơ khí còn thiếu hụt, môi trường chưa đủ hấp dẫn và khuyến khích đội ngũ trí thức có trình độ cao trong lĩnh vực cơ khí trong và ngoài nước tham gia hoạt động.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp Cơ khí phát triển, xứng đáng với tầm vóc và vai trò trong nền kinh tế, trong thời gian tới, Bộ Công thương đã xác định các hoạt động trọng tâm về khoa học và công nghệ, trong đó xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành kinh tế...
Theo anninhthudo.vn/
lên đầu trang