Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 02:57

Thứ bảy, 04/05/2024 | 02:57

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:51 ngày 14/11/2022

Thanh Hóa: Doanh nghiệp tích cực áp dụng giải pháp công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh

Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành trên cả nước. Khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số, ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương."
Hiện nay, Thanh Hóa có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 21.000 doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu. Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã rất chủ động, tích cực đầu tư và áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Điển hình là Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn. Mới đây, đơn vị này đã triển khai áp dụng phần mềm kiểm kê vật tư, tài sản công cụ dụng cụ bằng công nghệ mã vạch QR Code tích hợp với hệ thống ERP. Áp dụng phần mềm đã mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Cụ thể, phần mềm cho phép quá trình theo dõi, quản lý vật tư thiết bị và tài sản công cụ dụng cụ của công ty được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả và tập trung, khắc phục các hạn chế trong quá trình quản lý truyền thống trước kia. Việc kiểm soát vật tư, công cụ dụng cụ nhập - xuất - tồn chính xác tuyệt đối và khoa học, tránh được thất thoát, nhầm lẫn vật tư. Công tác tra cứu, tìm kiếm nhận dạng để xuất vật tư thiết bị được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. 
Nhân viên Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn dán mã và quét mã QR code. (Ảnh: https://trungsonhp.vn/)
Công ty Xăng dầu Thanh Hóa cũng là một đơn vị luôn tích cực áp dụng các giải pháp công nghệ số thích hợp vào hoạt động kinh doanh, giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tiêu biểu là việc triển khai các ứng dụng một loạt các giải pháp số hóa như quản trị nguồn nhân lực, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động, giám sát cột bơm xăng tại các cửa hàng,...Đáng hú ý là việc áp dụng hệ thống đo bể xăng dầu tự động. Nếu như trước kia, mỗi khi cần xác định lượng xăng dầu, nhân viên phải mở bể ra đo nhưng hiện nay, nhờ có hệ thống tự động hóa, số lượng cũng như chất lượng xăng dầu được thể hiện trên màn hình máy tính, thuận lợi cho việc theo dõi, chủ động nhập hàng.
Hay tại Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza, đơn vị này đã từng bước tiến hành chuyển đổi số từ công tác quản trị nhân lực đến quy trình sản xuất. Đại diện công ty cho biết tất cả các thông số trong quá trình sản xuất đều được giám sát, chuyển về các điện thoại di động. Bất cứ khi nào cần thiết, ban lãnh đạo cũng có thể kiểm tra được nguyên liệu, tình hình sản xuất, thiết kế...
Chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai mà đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Nhận thức được những cơ hội, thách thức và xu thế tất yếu của chuyển đổi số, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã của Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể cắt giảm, tiết kiệm từ 30 đến 70% thời gian, chi phí ở một số quy trình so với trước khi thực hiện chuyển đổi số.
Bích Phương
lên đầu trang