Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 22:56

Thứ hai, 29/04/2024 | 22:56

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:11 ngày 13/12/2022

Các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương: Khẳng định năng lực, vị thế và vai trò trong lĩnh vực cơ khí chế tạo - tự động hóa

Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiều công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ của các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã đạt được những giải thưởng cao và ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực, mang tới tác động tích cực, tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Riêng trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học đã khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Các công trình nghiên cứu bao gồm từ thiết kế mới, thiết kế cải tiến, làm chủ bí quyết thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị nhập ngoại, chế tạo nội địa hóa thiết bị, phụ tùng, cho đến phục hồi sửa chữa các thiết bị, phụ tùng máy móc có giá trị kinh tế lớn, cho nhiều ngành công nghiệp, như: xi măng, hóa chất, nhiệt điện than, thủy điện, dầu khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng v.v…
Nhiều kết quả đề tài đã triển khai áp dụng có hiệu quả vào các công trình, cơ sở sản xuất và được đánh giá cao, tiêu biểu như: Công trình “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện, đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, lắp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn của châu Âu với tỷ lệ nội địa hóa từ 76% lên 94% về khối lượng và từ 65,18% lên 79,6% về giá trị, ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1, xuất khẩu cho dự án Nhà máy Luyện kim Myanmar, được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Nhiều kết quả đề tài do cấc viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương thực hiện đã triển khai áp dụng có hiệu quả vào các công trình, cơ sở sản xuất và được đánh giá cao. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Cơ khí)
Hay công trình “Thiết kế chế tạo thiết bị đầu quay không lõi làm sạch cáu cặn trong lòng ống trao đổi nhiệt bằng áp lực cao” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện được Giải nhì VIFOTEC năm 2018; công trình “Nghiên cứu xây dựng qui trình xử lý, phục hồi nâng cao hiệu suất làm việc của trục vít ép đùn trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói lên 1,5 lần tương đương 1.200.000 sản phẩm/lượt” của TS. Ngô Hữu Mạnh, Đại học Sao Đỏ được giải VIFOTEC năm 2016. Cùng với đó là nhiều công trình hiệu quả khác như: công trình cửa van cung đập tràn xả mặt tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu; cửa van phẳng tại Nhà máy Thủy điện Sơn La; công trình thiết kế, chế tạo bộ làm mát ổ hướng máy phát của Nhà máy Thủy điện Sơn La; thiết kế và chế tạo hệ thống băng tải vận chuyển quặng bauxite cho Nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ.
Trong lĩnh vực máy nông nghiệp, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông - ngư nghiệp, các kho bảo quản phục vụ xuất khẩu và các dự án đầu tư sản xuất các thiết bị phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến có giá trị trên thị trường. Trong đó, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu đi một số nước trong khu vực và thế giới. Tiêu biểu như cụm công trình “Nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững” do PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng, Viện Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp chủ trì thực hiện đã làm chủ công nghệ, nghiên cứu, phát triển đưa ra thị trường, ứng dụng cho xã hội/doanh nghiệp các mẫu máy, dây chuyền thiết bị đồng bộ có tính mới, tính thực tiễn, hàm lượng khoa học cao, tính ứng dụng trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, công trình vinh dự được Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2021.
Việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học đã khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập và phát triển. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Cơ khí)
Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh (gọi tắt là hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh)” do PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu, Thiết kế, Chế tạo máy nông nghiệp thực hiện đã được giải VIFOTEC năm 2020; công trình “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống qui mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường” của PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng, Viện Nghiên cứu, Thiết kế, Chế tạo máy nông nghiệp được giải nhất VIFOTEC năm 2019; công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy lạnh thùng quay để sấy thóc” do TS. Đinh Văn Nhượng, Trường Đại học Sao Đỏ được giải ba VIFOTEC năm 2018.
Tự động hóa là một trong những công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0.  Hiện nay, tự động hóa đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cơ khí, y tế, nông nghiệp, công nghiệp cho đến các ngành sản xuất, điện tử và ngành chế tạo máy…Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực này ở nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Với việc phát triển thành công các công nghệ tự động hóa ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, một mặt, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương đã khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tự động hóa. Mặc khác, ứng dụng tự động hóa giúp doanh nghiệp cạnh tranh với thị trường trong nước, tạo lợi thế để phát triển ở thị trường nước ngoài; đồng thời nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và cải tiến quy trình làm việc dễ dàng.
Hà Nguyễn
lên đầu trang