Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 19:21

Thứ sáu, 03/05/2024 | 19:21

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:06 ngày 30/12/2022

Nhân rộng mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại thành phố Cần Thơ

Phát triển thành công mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp người dân có sự tiếp cận gần gũi hơn với các phương thức thanh toán kiểu mới, nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Vừa qua, Sở Công Thương TP Cần Thơ vừa phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chi nhánh Cần Thơ tổ chức Lễ ra mắt mô hình Chợ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ An Khánh (quận Ninh Kiều). Đây là mô hình chợ, trung tâm thứ 06 tại Cần Thơ được ứng dụng chương trình này, sau chợ Tân An, Trung tâm thương mại Cái Khế, chợ Cổ Cần Thơ (quận Ninh Kiều), chợ An Thới (quận Bình Thủy), chợ Thới Lai (huyện Thới Lai).
Khách thanh toán tiền sau khi mua hàng thông qua ví VNPT Money. (Ảnh: baocantho.com.vn/)
Phát biểu tại Lễ ra mắt, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND thành phố về chuyển đổi số, đặc biệt là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, trên địa bàn thành phố thời gian qua, việc triển khai mô hình chợ 4.0 tại các chợ, siêu thị đã ghi nhận những kết quả tốt. Đây là xu hướng tất yếu mang lại nhiều tiện ích cho người dùng.
Với mong muốn mở rộng mô hình, sắp tới, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng như Ban Quản lý các chợ để làm sao việc triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt được đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đó, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND thành phố Cần Thơ ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền trong chuyển đổi số; trong đó bao gồm mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành cụ thể.
Về phía VNPT Cần Thơ, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Giám đốc VNPT Cần Thơ cho biết: “chợ An Khánh là điểm thứ 6 mà VNPT Cần Thơ triển khai mô hình chợ không dùng tiền mặt. Qua bốn tháng triển khai thí điểm chợ 4.0 tại các quận, huyện đã có gần 3.000 điểm chấp nhận thanh toán VNPT Money và hơn 54.000 khách hàng cài đặt, sử dụng ví VNPT Money để thanh toán. Bên cạnh đó, VNPT Cần Thơ cũng đã phát triển 55 điểm nạp, rút tiền ví VNPT Money trên tất cả địa bàn các quận huyện của thành phố.”
"Dịch vụ VNPT Money đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép về tính an toàn, bảo mật cũng như tiện ích đối với người sử dụng. Khách hàng mong muốn sử dụng VNPT Money có thể an tâm, không phải lo lắng khi thanh toán bằng dịch vụ này," ông Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.
Còn với người dân và các tiểu thương, việc mở rộng mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo ra những ấn tượng nhất định. Chẳng hạn, ngay trong ngày đầu tiên triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ An Khánh, đã ghi nhận 28 tiểu thương đăng ký ứng dụng VNPT Money để giao dịch mua bán bên cạnh cách thanh toán truyền thống. Tại các chợ 4.0, ghi nhận nhiều khách hàng và tiểu thương sử dụng quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng để thực hiện việc mua bán, thanh toán.
Ông Lê Long Phi, tiểu thương kinh doanh hoa và trái cây tại chợ An Khánh (quận Ninh Kiều) chia sẻ: ngay trong sáng 24/12 khi mới triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt, cửa hàng kinh doanh của ông đã có 5 khách hàng chọn thanh toán qua phương thức quét mã QR code với doanh số tổng cộng hơn 1 triệu đồng. 
"Qua vài ngày sử dụng thì tôi thấy thanh toán rất nhanh, chỉ mất từ 1-2 phút cho mỗi lần giao dịch. Khách chỉ cần nhập đúng số tiền cần trả, bấm thanh toán thì gần như ngay lập tức tài khoản của tôi đã nhận được. Việc thanh toán này mang đến tiện lợi rõ rệt cho cả người mua và người bán, nhất là trong trường hợp khách hàng không mang tiền mặt thì cửa hàng đã có sẵn mã QR để khách quét, thực hiện trả tiền.” ông Lê Long Phi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai mô hình chợ không thanh toán tiền mặt ở Cần Thơ vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, vấn đề cơ sở hạ tầng, đường truyền là một trong những khó khăn lớn nhất, khiến cho việc nhân rộng mô hình, đặc biệt là tại khu vực nông thôn vẫn chưa được như ý muốn. Ngoài ra, người dân từ lâu đã quen với cách sử dụng thanh toán bằng tiền mặt, nên việc thực hiện thay đổi sang các phương pháp thanh toán số, sử dụng ứng dụng để thanh toán vẫn còn tạo ra tâm lý e ngại cho người dân,... Đây là những thách thức, khó khăn, yêu cầu các đơn vị, ban, ngành thành phố Cần Thơ phải nhanh chóng phối hợp, triển khai khắc phục trong thời gian tới, góp phần đẩy mạnh việc xây dựng mô hình chợ 4.0 đạt được những kết quả tốt nhất.
Quang Ngọc
lên đầu trang