Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 14:48

Thứ hai, 29/04/2024 | 14:48

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:48 ngày 13/04/2023

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối thị trường thế giới qua thương mại điện tử

Đó là nội dung chính của buổi Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối thị trường thế giới qua thương mại điện tử” vừa được tổ chức vào sáng ngày 6/4 tại Hà Nội.
Sự kiện được tổ chức bởi Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam - Vietnam Expo 2023, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch xu hướng kinh doanh thời buổi kinh tế số, thương mại điện tử.
Toàn cảnh hội thảo
Mở đầu buổi hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho biết, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, thực hiện ký kết nhiều Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA,...). Đây là những điều kiện thuận lợi để mở rộng cánh cửa thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh; qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành động lực quan trọng cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định từ 16 đến 30% trong 5 năm từ 2017 - 2022.
Theo báo cáo kinh tế khu vực Đông NAm Á 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế internet Việt Nam nhanh nhất khu vực từ 18 tỷ USD (2021) lên 23 tỷ USD trong năm 2022, trong đó có 14 tỷ USD của thương mại điện tử. Dự báo kinh tế internet Việt Nam sẽ đạt 49 tỷ USD năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm 32 tỷ USD.
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) chia sẻ tại hội thảo.
Tiềm năng phát triển và lợi ích của thương mại điện tử là rất lớn, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa biết nắm bắt cơ hội. Một phần do các doanh nghiệp còn gặp phải những khó khăn, hạn chế như: thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến, chưa biết tạo dựng niềm tin với khách hàng, các quy định cần tuân thủ của các quốc gia nhập khẩu, chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; đồng thời, doanh nghiệp chưa thực sự tập trung chăm sóc xây dựng gian hàng chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử để tối ưu hóa doanh thu và khách hàng.
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI): "Theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI thực hiện trong 5 năm gần đây nhất, tìm kiếm khách hàng là khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa."
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các các cơ hội, giải pháp, công cụ kết nối khách hàng trong và ngoài nước thông qua thương mại điện tử, VCCI tổ chức sự kiện Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối thị trường thế giới qua thương mại điện tử”. Thông qua sự kiện giúp gợi mở cho các doanh nghiệp bức tranh toàn cảnh về thương mại điện tử tại Việt Nam và thế giới, giúp doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội, thuận lợi để đưa các sản phẩm Việt Nam vươn tầm thế giới trong tương lai.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả quá trình triển khai kinh tế số, thương mại điện tử, các cơ quan, ban ngành của Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, như Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 645 ngày 15/05/2020,  phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc giai giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung xác định thực hiện một số mục tiêu: hỗ trợ ứng dụng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước thông qua thương mại điện tử, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới…. 
Đánh giá về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho rằng, Kế hoạch hỗ trợ của Chính phủ đã phần nào khơi mở ra phương hướng, lộ trình để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập, tiếp cận sâu hơn trong sân chơi thương mại điện tử. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường mới mẻ này, Chính phủ, các bộ, ban ngành cần phải lưu tâm hơn nữa một số vấn đề như: hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử bao gồm hạ tầng, nhân lực; khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia ứng dụng thương mại điện tử; tăng cường chuẩn hóa thị trường, chuẩn hoá thông tin... Chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc trong xây dựng thương hiệu nhằm tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng và gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Thành cũng cho rằng chính các doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức trong việc cạnh tranh, đặc biệt trong vấn đề về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, các doanh nghiệp cũng nên chú trọng, dần tiếp cận và ứng dụng các thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong việc quản trị, kinh doanh của doanh nghệp, vừa giúp tăng khả năng tương tác, phổ biến rộng rãi thông tin, vừa giúp nâng cao khả năng quảng bá sản phẩm và truyền thông thương hiệu đến người tiêu dùng.
Sau phần chia sẻ của đại diện các đơn vị, Hội thảo được tiếp tục với phần trình bày của các chuyên gia, với một số nội dung chính như: “EVFTA và CPTPP Cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam”; “Xu hướng mua sắm trên sàn và khung pháp lý trong thương mại điện tử”; “Vai trò của mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc trong xây dựng thương hiệu nhằm tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp” và “Yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp triển khai hiệu quả các hoạt động xuất khẩu thông qua thương mại điện tử”.
Các chuyên gia chia sẻ một số kinh nghiệm về thương mại điện tử tại hội thảo
Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, đại diện các đơn vị còn đi tham quan, tìm hiểu một số gian hàng sản phẩm vùng miền và quy trình triển khai sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử của các doanh nghiệp tham gia trưng bày tại Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam - Vietnam Expo 2023.
Ngày nay, thương mại điện tử đang dần trở thành một trong những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế Việt Nam, đã và đang thay thế xu hướng mua sắm truyền thống để trở thành một trong thị trường mua sắm chính của người đân, đặc biệt là thế hệ trẻ. 
Trong giai đoạn từ 2019 đến 2022, giá trị thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc từ 10,08 tỷ USD (2019) lên đến 16,4 tỷ USD (2022), với lượt người tham gia mua sắm tăng từ 44,8 triệu người (2019) lên gần 60 triệu người (2022). Ngoài ra, số tiền trung bình mà mỗi người dân bỏ ra để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử cũng tăng từ 225 USD/người (2019) lên thành 270USD/người (2022), ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Quang Ngọc
lên đầu trang