Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:26

Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:26

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 10:03 ngày 17/03/2023

VIMLUKI xây dựng hệ thống yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm quặng tinh niken sunfua

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tế xây dựng yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm quặng tinh Niken Sunfua” nhằm xây dựng dự thảo hệ thống tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm quặng tinh Niken Sunfua trong quá trình khai thác, chế biến.
Trong thời buổi phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và nhu cầu sử dụng quặng tinh niken ngày càng cao, đảm bảo chất lượng đối với các sản phẩm quặng tinh là yêu cầu bức thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho khâu chế biến sâu của thị trường tiêu thụ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, tính đến thời điểm năm 2021, Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia quy định về chất lượng quặng tinh niken nói chung và quặng tinh niken sunfua nói riêng, trong khi đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến nguồn nguyên liệu này.
Thực tiễn đó cho thấy việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu chất lượng quặng tinh niken là cần thiết, hướng tới đáp ứng công tác quản lý về chế biến khoáng sản. Đồng thời chỉ rõ những đặc tính kỹ thuật để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động kinh tế - xã hội, hướng tới đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của các đối tượng sản phẩm trong quặng tinh niken sunfua cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có bảng tiêu chuẩn cụ thể trong quá trình khai thác, chế biến ra các dòng sản phẩm quặng tinh phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Từ các vấn đề nêu trên, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm quặng tinh niken sunfua” nhằm mục tiêu xây dựng dự thảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm quặng tinh niken sunfua để phù hợp với trình độ khoa học công nghệ hiện tại trong nước và đồng bộ với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện hành.
Tùy thuộc vào quá trình thành tạo, quặng niken sunfua được chia ra làm các loại: quặng xâm tán và quặng đặc sít, trong đó quặng xâm tán là phổ biến hơn cả. (Ảnh minh họa: https://vinatools.com/)
Để đạt được kết quả cuối cùng, Th.S Trần Thị Hiến, chủ nhiệm nhiệm vụ, cùng các cộng sự của mình tại Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, phân tích các yếu tố từ tài nguyên chứa quặng niken sunfua, công nghệ tuyển, chế biến sâu, nhu cầu sử dụng và chất lượng các sản phẩm quặng tinh niken trên thế giới (bao gồm một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Zimbabue, Canada, Brazil, Nam Phi,…) và Việt Nam (được đề cập thông qua một số mỏ như: mỏ niken Bản Phúc, Sơn La; mỏ niken – đồng xâm tán Cao Bằng). 
Trên cơ sở đó, nhóm đã xây dựng Dự thảo yêu cầu chất lượng đối với quặng tinh Niken Sunfua, trong đó có thiết lập yêu cầu kĩ thuật đối với sản phẩm quặng tinh niken sunfua.Theo đó, quặng tinh niken sunfua được phân loại thành các sản phẩm: loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, tùy từng loại sẽ có yêu cầu kỹ thuật khác nhau.
Đối với loại 1, hàm lượng niken không nhỏ hơn 9,5%; hàm lượng magie oxit không lớn hơn 6,0%; tổng hàm lượng chì và kẽm không lớn hơn 0,05%; hàm lượng ẩm, không lớn hơn 14%; độ hạt, không lớn hơn 0,2mm.
Đối với loại 2, hàm lượng niken không nhỏ hơn 7,5%; hàm lượng magie oxit không lớn hơn 7,0%; tổng hàm lượng chì và kẽm không lớn hơn 0,20%; hàm lượng ẩm, không lớn hơn 14%; độ hạt, không lớn hơn 0,2mm.
Với loại 3, hàm lượng niken không nhỏ hơn 5,5%; hàm lượng magie oxit không lớn hơn 12,0%; tổng hàm lượng chì và kẽm không lớn hơn 0,3%; hàm lượng ẩm, không lớn hơn 14%; độ hạt, không lớn hơn 0,2mm.
Với loại 4, chỉ xác định hàm lượng niken không nhỏ hơn 3,5%; hàm lượng ẩm, không lớn hơn 14% và độ hạt, không lớn hơn 0,2mm.
“Riêng loại 4 chỉ được sử dụng là nguyên liệu cho chế biến thủy luyện” – ThS. Trần Thị Hiến nhấn mạnh.
Bộ Công Thương nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm quặng tinh niken sunfua” do ThS Trần Thị Hiến làm chủ nhiệm. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Ngoài yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, tinh chế quặng, trong Dự thảo yêu cầu chất lượng đối với quặng tinh Niken Sunfua của nhóm nghiên cứu còn xây dựng những yêu cầu về phương tháp thử, đóng gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản đối với các khoáng vật thu được, hướng tới tạo ra chu trình khép kín, đảm bảo chất lượng đối với các sản phẩm từ khi khai thác cho đến khi chế biến và tiêu thụ.
Việc xây dựng thành công Dự thảo yêu cầu chất lượng đối với quặng tinh Niken Sunfua giúp tạo ra bảng yêu cầu kĩ thuật chung cho các đơn vị đang tiến hành khai thác, chế biến quặng Niken Sunfua tại Việt Nam. Đồng thời giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của những đơn vị này, hướng tới phù hợp với trình độ khoa học công nghệ hiện tại trong nước và đồng bộ với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện hành.
Quang Ngọc
lên đầu trang