Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 01:45

Thứ sáu, 17/05/2024 | 01:45

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 16:05 ngày 28/04/2023

Hoàn thiện công nghệ sản xuất khăn từ xơ modal và xơ bông

Nghiên cứu giúp sản xuất ra các sản phẩm khăn mới, sử dụng xơ modal và xơ bông giúp tăng khả năng thấm hút mồ hôi và nhả ẩm tốt, tạo cảm giác dễ chịu cho người sử dụng. 
Theo báo cáo của các chuyên gia, hiện nay việc ứng dụng các nguyên liệu xơ, sợi nhân tạo cho ngành dệt may là rất cần thiết. Ở nước ta đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về xơ sợi nhân tạo, đạt được một số thành công nhất định. Trong số này, các nguyên liệu từ xơ nhân tạo bao gồm xơ vitxco, modal... đã được đưa vào sử dụng để sản xuất khăn, nhưng gặp phải hạn chế như giá thành cao, một số đặc tính chất lượng chưa phù hợp yêu cầu của người sử dụng (độ bền thấp, độ hút hơi nước thấp...), số lượng người tiêu dùng ít. Do đó, yêu cầu thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan tới công nghệ xử lý và sản xuất sợi xơ nhân tạo là vấn đề cấp bách cần nhanh chóng triển khai để mang lại hiệu quả tối ưu trong sản xuất, cung cấp các sản phẩm chất lượng cho người sử dụng.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã giao Công ty cổ phần - Viện Nghiên cứu Dệt may đã thực hiện đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất khăn bông chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu từ xơ modal và xơ bông”. Đề tài do ThS. Phạm Văn Lượng làm chủ nhiệm, phối hợp với các cộng sự là TS. Nguyễn Văn Thông và ThS. Nguyễn Đức Hóa. Mục tiêu nhằm tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ, ứng dụng vào sản xuất khăn trên quy mô công nghiệp với trang thiết bị hiện có đáp ứng yêu cầu chất lượng. Đồng thời khi đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn sẽ góp phần tạo sản phẩm khăn phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng, có tính chất nổi bật được thừa hưởng từ xơ modal và xơ bông, có độ bền sử dụng cao, đáp ứng các yêu cầu chất lượng, phù hợp với người tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu. 
Khăn từ sợi modal và xơ bông có độ bền cao, đáp ứng các yêu cầu chất lượng cho người sử dụng (Ảnh: tuoitre.vn/)
Từ yêu cầu được đặt ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành triển khai đề tài từ các công đoạn đầu tiên: kéo sợi, xe sợi, dệt vải, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất vải khăn với loại nguyên liệu mới là xơ, sợi modal cung với xơ và sợi bông là những loại nguyên liệu truyền thống hiện đang sử dụng trong sản xuất khăn. Cụ thể, nghiên cứu nguyên liệu xơ modal để có thể thiết lập các thông số công nghệ phù hợp trong các công đoạn kéo sợi, dệt khăn và xử lý nhuộm hoàn tất; nghiên cứu thử nghiệm các tỷ lệ pha và lựa chọn các thông số công nghệ để thiết lập công nghệ kéo sợi pha từ xơ modal và xơ bông; cuối cùng là xây dựng công nghệ tạo sợi không xoắn từ sợi modal pha bông và sợi PVA để dùng làm sợi dọc nổi vòng , cho phép bỏ qua công đọ hồ sợi.
Qua quá trình nghiên cứu thực hiện, nhóm dự án đã hoàn thành các nội dung chủ yếu trong hợp đồng nghiên cứu khoa học của dự án. Trong đó, kết quả quan trọng nhất chính là xây dựng được 02 quy trình công nghệ kéo sợi modal pha bông có tỷ lệ pha 60/40 với hai chỉ số Ne 30, Ne20 tại xưởng thực nghiệm kéo sợi của Viện dệt may; đồng thời còn xây dựng, làm chủ công nghệ tạo sợi không xoắn từ sợi Ne20 modal pha bông tỷ lệ 60/40 và sợi PVA Ne80 sử dụng để làm sợi dọc nổi vòng trong khăn bông. 
Đáng chú ý, việc phát triển thành công sợi không xoắn từ xơ modal pha bông và sợi PVA không cần qua công đoạn hồ sợi đã cho phép bỏ qua công đoạn rũ hồ trong tiền xử lý khăn, giúp cho khăn xốp, mềm mại hơn khăn thông thường, đồng thời giảm thiểu phát thải chất hồ trong nước thải xử lý, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đề tài còn phát triển thêm một điểm mới khác chính là công nghệ hoàn tất kháng khuẩn theo phương pháp tận trích, sử dụng dụng chất kháng khuẩn Agion® AM-B10G cho độ kháng khuẩn cao, được đánh giá ưu việt hơn so với quy trình công nghệ xử lý kháng khuẩn theo phương pháp liên tục được sử dụng cho các sản phẩm dệt may trước đây.
Đánh giá kết quả thực hiện đề tài của nhóm nghiên cứu, tại buổi nghiệm thu cấp thành phố Hà Nội do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chủ trì, các thành viên của Hội đồng đều cho rằng đề tài đã mở ra khả năng sử dụng nguyên liệu mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm khăn bông có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ cho ngành may mặc. Đồng thời còn đem lại một bước tiến mới trong việc ứng dụng loại nguyên liệu dệt mới, ứng dụng công nghệ sản xuất mới để sản xuất các mặt hàng có tính năng khác biệt phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người tiêu dùng.
Với kết quả thu được, đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất khăn bông chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu từ xơ modal và xơ bông” đã đóng góp cho lĩnh vực khoa học công nghệ thuộc chuyên ngành công nghệ vật liệu mới, công nghệ dệt, nhuộm và hoàn tất vật liệu mới; đem lại một bước tiến mới trong việc ứng dụng loại nguyên liệu dệt mới, ứng dụng công nghệ sản xuất mới để sản xuất các mặt hàng có tính năng khác biệt phục vụ phân khúc sản xuất.
Quang Ngọc
Link tham khảo: 
https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cong-nghe-san-xuat-khan-bong-chat-luong-cao-tu-xo-modal-va-xo-bong-98244.htm
https://dost.hanoi.gov.vn/ru/tin-moi-nhat/-/news/KWcsEXkyY1e2/673718.html;jsessionid=OfrSK3MXuPxXWvJ5sKe4kxBp.undefined
lên đầu trang