Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:04

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:04

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:45 ngày 04/05/2023

Sóc Trăng: Khoa học công nghệ là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Trong những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Nhiều thành tựu khoa học công nghệ trên các lĩnh vực được ứng dụng, phổ biến vào thực tiễn, đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng về vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như định hướng nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng trong những năm qua?
Đồng chí Nguyễn Thành Duy: Giai đoạn 2018 - 2023, hoạt động triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Giai đoạn này có 66 nhiệm vụ được triển khai, trong đó có 6 nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Đến nay, đã nghiệm thu được 3 nhiệm vụ, các nhiệm vụ này có những đóng góp thiết thực trong việc phát triển các mô hình trồng trọt, nuôi thủy sản, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là lĩnh vực khoa học nông nghiệp (28 nhiệm vụ), khoa học kỹ thuật và công nghệ (20 nhiệm vụ), khoa học xã hội và nhân văn (15 nhiệm vụ), khoa học y dược (3 nhiệm vụ). Cơ cấu nhiệm vụ được triển khai phù hợp với định hướng của tỉnh về việc vừa tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ trong các lĩnh vực có thế mạnh là nông nghiệp, vừa hướng tới bảo tồn và phát triển các vấn đề văn hóa - xã hội.
Trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, từ năm 2018 đến nay, các sở, ngành đã triển khai 480 đề tài, dự án; các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh đã xây dựng ý tưởng, đề xuất nhiệm vụ cho việc phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, đồng thời phối hợp với các tổ chức triển khai các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp tỉnh để ứng dụng, nhân rộng các mô hình vào địa phương.
Phóng viên: Ngành Khoa học và Công nghệ đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thành Duy: Trên tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, ngành khoa học và công nghệ đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đề tài, dự án đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế địa phương.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2021, công trình: “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016” đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 6. Ngày 28/5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2665/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Đó là cơ sở để phát huy lợi thế, tăng sức cạnh trạnh trên thị trường cũng như khẳng định thương hiệu của hành tím Vĩnh Châu.
Thủy sản được xác định là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu theo Quyết định số 4655/QĐ-SHTT, ngày 03/12/2020. Để tiếp tục khai thác tiềm năng, đặc trưng về điều kiện tự nhiên của địa phương cho việc phát triển sản xuất artemia, tỉnh đã đầu tư nghiên cứu quy trình nuôi artemia ở độ mặn thấp theo chế độ dinh dưỡng cải tiến tại thị xã Vĩnh Châu.
Trong lĩnh vực y khoa, kết quả nghiên cứu của đề tài “Đánh giá hiệu quả phục hồi vận động sau đột quỵ bằng thể châm cải tiến kết hợp tái học hỏi vận động” đã được chuyển giao cho Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các đơn vị có liên quan khai thác, sử dụng. Sau khi đề tài chuyển giao đã được đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Quân Dân y tỉnh, giúp hỗ trợ điều trị được 4.260 bệnh nhân phục hồi vận động sau đột quỵ, tỷ lệ phục hồi vận động sau đột quỵ đạt trên 85%...
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Sóc Trăng trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Thành Duy: Mục tiêu là đưa Sóc Trăng trở thành một tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng và phát triển tỉnh Sóc Trăng trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển; trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics; là tỉnh có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững (kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…). Do vậy, trong mục tiêu phát triển này không thể thiếu giải pháp phát triển khoa học và công nghệ. Trên cơ sở đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sẽ tập trung: đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương. Phát triển các sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng phát triển của tỉnh, đồng thời tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, tiếp cận chuỗi giá trị sản phẩm. Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phấn đấu mục tiêu sau khi ứng dụng khoa học công nghệ vào các mô hình nông nghiệp sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để xây dựng các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu thiết lập mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Chủ động khai thác sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số trong quản lý, điều hành công việc; ứng dụng công nghệ trong kết nối nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với nhu cầu và thực tiễn địa phương. Tăng cường thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu sản phẩm khoa học công nghệ giữa các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đối tượng hướng đến là doanh nghiệp địa phương, nông dân.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, phát triển tài sản trí tuệ, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguồn: www.baosoctrang.org.vn/
lên đầu trang