Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 11:30

Thứ năm, 25/04/2024 | 11:30

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:25 ngày 30/05/2023

Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Luyện kim: Đóng góp lớn cho ngành sản xuất thiếc

Việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm hợp kim thiếc hàn không chì đã giúp cho các doanh nghiệp luyện kim tăng khả năng cạnh tranh, lợi nhuận.
Làm chủ công nghệ sản xuất thiếc 99,99%
Năm 2022, Viện Khoa học và công nghệ Mỏ - Luyện kim (Vimluki) đã công bố hoàn thành Cụm công trình khoa học và công nghệ về nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất thiếc kim loại tinh khiết và dây hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung, hợp kim thiếc hành không chì.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng Vimluki cho biết: Cụm công trình được triển khai với mục đích làm chủ được công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện, quy mô công nghiệp có màng ngăn từ thiếc 99,75%. Đồng thời, sản xuất thử nghiệm 200 tấn sản phẩm thiếc 99,99% đạt tiêu chuẩn JIS H2108:1996. Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất dây hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung bằng phương pháp gia công áp lực, sản xuất thử nghiệm với công suất 18 tấn/năm cung cấp cho thị trường. Nghiên cứu công nghệ sản xuất thiếc hàn không chì mác SAC305 (Sn:Ag:Cu=96,5:3:0,5) sử dụng trong lĩnh vực điện - điện tử dạng thanh/dây, tiếp tục nghiên cứu phát triển để xây dựng quy trình sản xuất kèm thiếc hàn SAC305 từ nguồn nguyên liệu trong nước. Ứng dụng quy trình để sản xuất được kem thiếc hàn SAC305 từ nguồn nguyên liệu trong nước theo mác SAC305.
Vimluki đã làm chủ được công nghệ sản xuất thiếc sạch 99,99%
Cũng theo TS. Đào Duy Anh, thành công của Cụm công trình vào sự chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao cung cấp cho ngành công nghệ mới, công nghệ cao, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài góp phần đáng kể giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Dự án cũng đã đưa chất lượng sản phẩm dây hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung lên rất cao năng suất cũng tăng lên.
Đề tài cũng đã tạo ra sản phẩm thiếc hàn không chì dạng thanh/dây và dạng kem, là những sản phẩm thân thiện với môi trường và người sử dụng, và đáp ứng yêu cầu thị trường, giảm tỷ lệ nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hoá trong tương laại cho việc hàn các linh kiện và bản mạch trong lĩnh vực điện, điện tử.
Tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận cho doanh nghiệp
TS. Đào Duy Anh cho biết, thông qua công tác nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, Vimluki cũng đã đã xây dựng được 01 hệ thống dây chuyền thiết bị điện phân tinh luyện bán tự động để sản xuất thiếc 99,99% quy mô 240 tấn/năm, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Sản xuất thử nghiệm 200 tấn sản phẩm thiếc 99,99% đạt tiêu chuẩn JIS H2108:1996. Hiện nay công nghệ của dự án đang được áp dụng sản xuất hiệu quả tại chi nhánh của viện tại TP. Thái Nguyên.
TS Đào Duy Anh chủ trì hội thảo khoa học về công tác xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực quặng tinh
Công trình nghiên cứu của Vimluki đã giúp doanh nghiệp tăng năng suất, doanh thu, lợi nhuận cũng như chất lượng sản phẩm. Đơn cử, với sản phẩm dây hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung, nếu như trước năm 2013 khi chưa có sản phẩm này các công ty như: Điện Quang, Tiến Khải, Kao Minh, Thí Nghiệm Điện… đều phải sử dụng các sản phẩm nhập khẩu có giá thành cao hơn khoảng 40% giá thành sản phẩm trong nước. Kể từ năm 2014, sau khi hoàn thiện được công nghệ và bắt đầu sản xuất quy mô công nghiệp, sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho Công ty TNHH MTV Mỏ luyện kim Miền Nam nói riêng và Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim nói chung.
Từ năm 2015 đến nay, Công ty TNHH MTV Mỏ luyện kim Miền Nam tiếp tục nghiên cứu cải tiến và đã phát triển thêm một số mặt hàng như: Hợp kim thiếc hàn dạng thanh, dạng tấm. Doanh thu từ sản phẩm hợp kim thiếc hàn có lõi chất trợ dung của công ty đã không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2015 doanh thu của đơn vị đạt 10.087 triệu đồng, thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng, sản lượng đạt 43,6 tấn thì năm 2022, doanh thu tăng lên 13.445 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 15 triệu đồng/người/tháng và sản lượng đạt 46,2 tấn.
Còn đối với sản phẩm thiếc tinh 99,99% Sn, công nghệ của dự án đang được áp dụng sản xuất hiệu quả tại chi nhánh của Viện tại tỉnh Thái Nguyên, đã sản xuất qui mô lớn từ năm 2019 với sản lượng năm 2019 đạt 365,5 tấn, giá trị doanh thu đạt 97.885 triệu đồng, thu nhập người lao động bình quân đạt 10,05 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2021 sản lượng của công ty đạt 352,1 tấn, giá trị doanh thu đạt 219.323 triệu đồng với thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm hợp kim thiếc hàn không chì đã làm gia tăng lượng thiếc xuất khẩu của Viện do đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của Nhật Bản, EU.
Những đóng góp về khoa học và công nghệ của VIMLUKI đã đưa ngành sản xuất thiếc của Việt Nam tiệm cận với trình độ khoa học và công nghệ của các nước trong khu vực và thế giới về các chỉ tiêu công nghệ của sản phẩm, về định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, ghi tên Việt Nam là nhà sản xuất thiếc uy tín của thế giới.
Theo congthuong.vn/

lên đầu trang