Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 23:10

Thứ năm, 09/05/2024 | 23:10

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:18 ngày 14/06/2023

Ngành Công Thương: tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

Hội nghị “Phát huy sức mạnh và đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu, Trường đại học trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương” được Bộ Công Thương tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2013 - 18/5/2023).
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động khoa học và công nghệ
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2013 – 18/5/2023), nhằm tôn vinh những đóng góp của đội ngũ các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Phát huy sức mạnh và đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu tại các Viện nghiên cứu, Trường đại học trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương”.
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trong công tác tham mưu, tư vấn chính sách để giúp Bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn - quy chuẩn - định mức kinh tế kỹ thuật trong Ngành. Đồng thời, đưa nhanh những kết quả nghiên cứu và thành tựu khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành Công Thương cũng như góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác quản lý liên tục được đổi mới cả về nội dung, phương thức tổ chức thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, công khai, minh bạch, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ. Đồng thời, làm tốt công tác rà soát, đánh giá hoạt động của hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ công lập để tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiệu quả, phục vụ yêu cầu phát triển ngành trong giai đoạn tới.
Trước bối cảnh phát triển mới của đất nước và việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thứ trưởng đã đặt ra yêu cầu đối với hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương. Theo đó, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và phương thức thực hiện, không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ và tham mưu xây dựng chính sách phát triển Ngành.
Các đại biểu thảo luận về yêu cầu đặt ra đối với hoạt động KH&CN của ngành Công Thương
Cụ thể, Thứ trưởng nhấn mạnh 05 nhóm nhiệm vụ chính, gồm:
Thứ nhất, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phải gắn bó mật thiết và phục vụ trực tiếp quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã được Đảng và Chính phủ giao. Tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Bộ gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh, tạo nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương trong tình hình mới; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi, khai thác có hiệu quả cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Thứ ba, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai tại doanh nghiệp – phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo. Các đại biểu thảo luận về yêu cầu đặt ra đối với hoạt động KH&CN của ngành Công Thương. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ tư, các Viện nghiên cứu, Trường đại học tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng các hoạt động nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ, đồng thời kết nối các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong nước và nước ngoài có thế mạnh, dẫn đầu về lĩnh vực khoa học và công nghệ để hình thành một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp ngành Công Thương.
Thứ năm, cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương theo hướng hiện đại. Nâng cao năng lực, hiệu quả, phát huy vai trò của quản lý nhà nước thực sự là "người cầm lái", định hướng, dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học và công nghệ.
Mở rộng hợp tác thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng KH&CN
Nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trước đó, ngày 15/3/2023, Bộ Công Thương - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030. Việc ký kết nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành Công Thương trong giai đoạn mới, phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng khoa học và công nghệ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh đại diện hai bên ký kết Chương trình phối hợp công tác
Theo đó, Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030 tập trung vào các nội dung chính, gồm:
(1) Phối hợp nghiên cứu đề xuất, đặt hàng và triển khai các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ trong khuôn khổ các chương trình, đề án khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương theo hướng ưu tiên phát triển, ứng dụng các công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa trình độ cao, công nghệ số để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, phát triển sản xuất thông minh và chuyển đổi số, giải quyết những thách thức mới trong quá trình phát triển ngành;
(2) Phối hợp trong nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và thực thi chiến lược, chính sách phát triển ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, góp phần thực thi các các Hiệp định thương mại đa phương, song phương;
(3) Phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Bộ Công Thương với doanh nghiệp trong ngành nhằm tư vấn, chuyển giao, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ mới, thúc đẩy, khuyến khích hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp;
(4) Phối hợp trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao cho ngành Công Thương nhằm kịp thời thích ứng với yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
(5) Đẩy mạnh trao đổi, cung cấp, cập nhật, chia sẻ thông tin, tư liệu, dữ liệu thống kê giữa hai Bên về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của cả 2 bên cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm đường lối, các chủ chương Chính sách của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hóa - hiện đại hóa; về khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và chương trình phối hợp giữa Bộ - Viện từ nay đến 2026 định hướng đến 2030, đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình, nội dung, giải pháp phối hợp thật cụ thể, phù hợp và khả thi trong từng năm, từng giai đoạn. Phối hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tập thể cá nhân chịu trách nhiệm để có cơ sở kiểm điểm đánh giá rút kinh nghiệm.
Hai là, giai đoạn từ nay đến trước năm 2025 bên cạnh việc tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ hiện có cần tích cực nghiên cứu đề xuất những chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ có tính đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Đồng thời, đề xuất được các nội hàm chính sách lớn cần thể hiện trong Luật phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ đột phá, đủ mạnh, khả thi để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng.
Từ năm 2025, tập trung nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao.
Ba là, đề nghị lãnh đạo Bộ, Viện cử mỗi bên một đồng chí lãnh đạo để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chương trình phối hợp này. Đồng thời định kỳ hàng năm (và khi cần thiết) tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm để sự hợp tác của hai bên thực chất, hiệu quả lớn.
(Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ số 51 - tháng 5/2023)
lên đầu trang