Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 07:45

Thứ sáu, 03/05/2024 | 07:45

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:14 ngày 15/06/2023

Việt Nam cần chủ động về năng lượng để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại hội thảo “Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Hội thảo do Ban Kinh tế trung ương chủ trì tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 14/6 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023. 
Tiền đề thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng tại nước ta đã có
Trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương khóa XII về "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045“ đã xác định đã xác định công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành nền tảng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng mới. 
Nghị quyết cũng đã đề ra chủ trương khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đào tạo, chuyển giao công nghệ. Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong lĩnh vực năng lượng. Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng chính sách mua sắm công và các chính sách nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước của Việt Nam. 
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp năng lượng của việt nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Trước đó, Nghị quyết 55, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã xác định phải từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng. 
Một số nhiệm vụ và giải pháp đã được Nghị quyết 55 đề ra như: Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng theo hướng tăng cường nội lực, hướng đến xuất khẩu; ưu tiên phát triển các ngành chế tạo máy, thiết bị điện, dầu khí, dịch vụ dầu khí. Cùng với đó, hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích và đẩy mạnh triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng. Khẩn trương xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành năng lượng; bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nội địa hoá đối với các nhà máy điện nói riêng và dự án năng lượng nói chung. Hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất của Nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện những công trình, dự án phức tạp, kỹ thuật cao trong ngành năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Hiện nay, Quy hoạch Điện VIII đã xác định mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 205. Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. 
Các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến ngành công nghiệp năng lượng đã được Quy hoạch Điện VIII đề ra. Điển hình như hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất chế tạo, dịch vụ phụ trợ, các khu công nghiệp tập trung. Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon... trong nước để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có của nước ta, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện các công trình dự án điện phức tạp, kỹ thuật cao. Nâng cao năng lực thiết kế, tổ chức mua sắm, quản lý điều hành dự án của các doanh nghiệp trong nước, đủ khả năng đảm nhiệm vai trò tổng thầu các dự án điện quy mô lớn. Nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước để tăng tỉ lệ thiết bị nội địa trong các công trình nguồn và lưới điện. Nâng cao năng lực sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định các thiết bị điện trong nước. 
Cần vượt qua nhiều thách thức để Việt Nam chủ động về năng lượng, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Bên cạnh nhưng tiềm năng cũng như những tiền đề đã tạo lập, TS. Nguyễn Đức Hiển nhận định, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam đang gặp một số thách thức, nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi đó các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Trữ lượng và sản lượng sản xuất của than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm. Mặt khác, yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn là một vấn đề trong tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam vì nó làm giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác. Xét về tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng thế giới thời gian qua cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp năng lượng với sự thay đổi của các chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững (gió, mặt trời, sinh khối...). 
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường cũng cho rằng ngành năng lượng Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cũng phải trải qua rất nhiều thách thức. Cụ thể, tiềm năng của năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả và khắc phục hạn chế của các loại hình này cần công nghiệp linh hoạt về lưu trữ cũng như tăng cường lưới điện. 
Vấn đề thứ hai là điện gió ngoài khơi ở nước ta có tiềm năng tốt và ưu thế về số giờ sử dụng công suất so với điện gió trên bờ và điện mặt trời. Nhưng bên cạnh vấn đề về công nghệ thì giải pháp về chi phí truyền tải điện từ hệ thống điện gió ngoài khơi đến trung tâm phụ tải cũng là yếu tố quan trọng không kém. 
"Hiện nay công nghệ điện mặt trời đang phát triển nhanh và có xu thế giá giảm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm từ hệ lụy trong quản lý đầu tư trong trong vừa qua, để loại hình này không chỉ theo dạng tự sản xuất tự sản tự tiêu mà vẫn có thể bán được, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp nhưng không ảnh hướng đến giá điện. Đây cũng là một vấn đề cần được xem xét trong thời gian tới" - Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường thông tin.
Một vấn đề khác mà ông Nguyễn Anh Tuấn đề cập là việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đây được coi là khoản đầu tư có chi phí thấp nhất. Theo kết quả các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như VNEPP1, VNEEP2 thì giai đoạn 2006-2010, toàn ngành năng lượng tiết kiệm được 3,4%, giai đoạn 2012-2025 tiết kiệm được 5.65% tổng tiêu thụ năng lượng so với dự báo. Nhưng dư địa tiết kiệm năng lượng vẫn còn rất lớn, theo tính toán dự thảo tổng thể năng lượng, nước ta có thể tiết kiệm lên đến 8,4% trong giai đoạn năm 2030, và từ 19-22% đến năm 2050. Chính vì vậy, cần có những giải pháp thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
"Cũng trong thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng và cung cấp nhiên liệu năng lượng thì một khó khăn khác đặt ra là cơ sở hạ tầng của nước ta còn hạn chế. Vậy làm thế nào để vừa thực hiện chuyển dịch năng lượng, vừa tránh được rủi ro về mất an toàn cung cấp năng lượng trong hoàn cảnh giá nguyên liệu bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị hay yếu tố thời tiết tự nhiên là một thách thử không hề nhỏ"ông Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề. 
Trước rất nhiều những thách thức đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong thời điểm hiện tại, các chuyên gia khẳng định, để đạt được mục tiêu của ngành năng lượng vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cần thiết phải sớm có những cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh mới. Đồng thời nâng cao được năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp năng lượng thuộc mọi thành phần kinh tế. Từ đó tạo ra sự chủ động về năng lượng cho Việt Nam đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.  
Bài/Ảnh: Phương Loan
lên đầu trang