Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 21:00

Thứ năm, 02/05/2024 | 21:00

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:11 ngày 19/06/2023

Tập trung chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ, thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Đây là nội dung được chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày 14/6 vừa qua tại Hà Nội.  
Hội thảo “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng và Nhà nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức cao liên tục trong nhiều năm. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. 
Hiện nay, đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn. Một số ngành dịch vụ đã triển khai ứng dụng nhiều thành tựu của khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ so với GDP tăng dần qua các năm, chiếm 41,33% GDP năm 2022.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, dù thời gian qua Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc phát triển kinh tế nhưng quá trình đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 chưa hoàn thành; nền kinh tế có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
"Bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình phát triển mới, có bước đi đột phá, tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với tình hình mới. Quá trình thực hiện cần triển khai thành công hai mục tiêu: tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trọng tâm là chuyển đổi số; đồng thời, tập trung chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” vì mục tiêu phát triển bền vững. Đây được coi là sự “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nói chung và từng khu vực kinh tế nói riêng" - ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh. 
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ tại Hội thảo.
Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được diễn ra quyết liệt và hiệu quả, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, được cụ thể hóa thông qua những Chiến lược, Nghị quyết, Chương trình hành động như: “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030”; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nội dung chính của các Chiến lược, Nghị quyết đều xác định phải tập trung thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số để xây dựng các ngành dịch vụ mới, có giá trị tăng cao góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đề ra mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế. Chính phủ tích cực chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo cơ chế huy động nguồn lực tài chính, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Quyết định chỉ ra yêu cầu cần thiết về thay đổi tư duy, nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp để thấy được sự thiết yếu của chuyển đổi kép “xanh và số”, coi chuyển đổi số là cơ sở cho chuyển đổi xanh.
Như vậy, cả Nghị quyết, Chủ trương của Đảng và Chính phủ đều nhấn mạnh phải tập trung thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để phát triển ngành kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương lưu ý, cần nhìn nhận quá trình chuyển đổi số và ngành dịch vụ ở nước ta mới đi những bước ban đầu, kết quả đạt được tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; các lĩnh vực dịch vụ khác đặc biệt là văn hóa, y tế, giáo dục... phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. 
Để đáp ứng nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh các ngành dịch vụ được hiệu quả, cần giải quyết một số vấn đề lớn đặt ra như: vấn đề thể chế; nguồn lực tài chính đầu tư, kể cả khu vực công và khu vực tư; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Tham dự hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ ý kiến, bày tỏ mong muốn được đồng hành cùng nhà nước trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. 
Ông Sarat Kumar Saikia đại diện FPT IS chia sẻ một số giải pháp quản trị rủi ro tài chính tại Hội thảo 
Nhìn nhận về quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ở Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp quốc tế là VISA và Grab đều cho rằng, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng đóng vai trò rất lớn trong việc “xanh hóa” nền kinh tế có thành công hay không. 
Ông Alejandro Osorio - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Grab Việt Nam: “Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công sẽ rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có liên quan. Do đó các chính sách, dự thảo nên được liên tục xem xét và cập nhật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số”.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp và hỗ trợ nguồn vốn để các doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành dịch vụ.
Ông Vương Thành Long - Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, điểm chung của các dự án xanh là vốn lớn, yêu cầu vốn đầu tư cao và dài hạn. Đặc điểm này khiến cho các doanh nghiệp khó có thể “xoay xở” nếu chỉ dựa vào nguồn vốn nội tại. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần chủ động huy động cả nguồn vốn trong và ngoài nước. 
Ông Vương Thành Long: "BIDV sẵn sàng chung tay phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp"
"BIDV sẵn sàng chung tay phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp. Hiện nay BIDV cũng đang làm việc với các định chế tài chính nước ngoài để tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp ở Việt Nam. Thậm chí, BIDV còn đứng ra bảo lãnh để các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể vay được nguồn vốn ưu đãi của các thể chế tài chính" - ông Vương Thành Long nhấn mạnh.
Xanh hóa các ngành dịch vụ là chủ đề được bàn thảo từ lâu tại Việt Nam. Đây là xu hướng không thể đảo ngược, mang lại nhiều thách thức nhưng cũng đem đến cả những cơ hội về phát triển đất nước, đảm bảo sự phát triển một nền kinh tế thịnh vượng hơn, tươi đẹp hơn và bền vững hơn về môi trường.
Trong quá trình Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, bối cảnh phục hồi hậu đại dịch COVID-19 đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, nếu tận dụng thành công cơ hội chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
Quang Ngọc
lên đầu trang