Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 09:58

Thứ năm, 02/05/2024 | 09:58

Chính sách

Cập nhật lúc 12:00 ngày 03/07/2023

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Hãy tin tưởng các nhà khoa học

Nhắc câu nói của Thủ tướng "khoa học là con đường ngắn nhất đi đến thịnh vượng", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong cấp có thẩm quyền tin tưởng hơn vào các nhà khoa học, có chính sách thỏa đáng để họ phát huy năng lực.
Là thành viên Chính phủ thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 7/6, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có hơn 2 giờ giải đáp câu hỏi của đại biểu. 120 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Đạt, số lượng "kỷ lục" từ đầu kỳ.
Với tinh thần "cố gắng nắm bắt đề xuất, nguyện vọng của cử tri cả nước thông qua câu hỏi của đại biểu để hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Đạt đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi và tranh luận của đại biểu.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM) cho rằng một trong những yếu tố thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là có sự tham gia của nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của giới khoa học với chiến lược trên thì họ mong Chính phủ có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý, nghiên cứu khoa học. "Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này", bà chất vấn.
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói đây là vấn đề được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm. "Quan điểm có chấp nhận rủi ro khi nghiên cứu khoa học hay không, có hành chính hóa các hoạt động nghiên cứu hay không, Bộ trưởng sẽ góp phần làm sáng tỏ nội dung này", ông Huệ nói.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết năm 2023, Bộ sửa thông tư về quản lý các công trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ đồng loạt, đảm bảo liên thông, đồng bộ. Bộ đã lập tổ công tác, các thông tư cơ bản hình thành. Vừa qua, 5 thông tư mới đã được ban hành để tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Nhiều quy định được bãi bỏ như nhà khoa học là chủ nhiệm có các đề tài nghiên cứu khoa học mà nghiệm thu không đạt thì không được tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong hai năm tiếp theo.
"Chúng tôi rất quan tâm đến tính đặc thù, rủi ro, độ trễ của khoa học công nghệ", ông Đạt nói, cho biết trước đây, nếu nhà khoa học nào không hoàn thành nhiệm vụ khoa học của mình thì sẽ không được đăng ký tiếp tục hai năm sau đó và đơn vị chủ trì bị ảnh hưởng nhất định. Điều này khiến các nhà khoa học rất quan ngại, gây cản trở bởi nghiên cứu khoa học có thể thành công hoặc thất bại, thành công sớm hoặc muộn, nên cần tính đến tính đặc thù về rủi ro và độ trễ. Nay quy định này đã được Bộ hủy bỏ.
Người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ cho biết, hôm 17/5, Thủ tướng về dự hội nghị 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về với nghành khoa học và công nghệ. Thủ tướng khẳng định phải chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học. "Tôi rất tâm đắc với câu nói của Thủ tướng, khoa học là con đường ngắn nhất đi tới thịnh vượng", ông Đạt nói, cho biết Bộ đang cố gắng động viên các nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
"Tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền tin tưởng hơn nữa vào các nhà khoa học, giao thẩm quyền, cơ chế, chính sách cho họ thỏa đáng để họ phát huy năng lực, cống hiến", Bộ trưởng nói.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi thông tư 27 về khoán chi, đơn giản thủ tục mua sắm, thanh toán, giảm bớt hồ sơ mà các nhà khoa học, nhà quản lý hay phàn nàn là "nhiều khi hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học". Nếu khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm cuối cùng thì hồ sơ chỉ còn một nửa hoặc 1/3.
Kinh phí, tài chính của lĩnh vực khoa học công nghệ cũng cần có đặc thù bởi nghiên cứu khoa học không thể chính xác như các hoạt động lao động sản xuất khác. Vì vậy, các cơ quan rất khó tính toán xây dựng định mức cũng như hiệu quả, lợi nhuận.
Cùng quan tâm về tính đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng cho biết Nhà nước đã có giải pháp, chính sách gì để tổ chức khoa học công nghệ, nâng cao năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực hiệu quả trong thời gian tới.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Đạt nói Nghị định 60 quy định về tự chủ tài chính cho tổ chức, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, là văn bản tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp phát huy tự chủ, thực hiện nhiệm vụ được giao.Tuy nhiên, đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, khoa học. Mỗi hệ thống có tính chất khác nhau nên Nghị định 60 không điều chỉnh được đặc thù lĩnh vực khoa học công nghệ, dẫn đến nhiều vướng mắc.
Ông Đạt cho biết đã kiến nghị Chính phủ xem xét cho xây dựng nghị định riêng về tự chủ các tổ chức khoa học công nghệ theo hướng toàn diện hơn về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, tài chính và quản lý tài sản.
Nghiên cứu khoa học là tìm cái mới, có thể thành công hoặc thất bại
Đại biểu Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách) đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 5 năm qua, số đề tài sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được ứng dụng, bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực. "Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam đột phá về khoa học công nghệ, đặc biệt trong quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh", ông Vân đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho ngành và Bộ Khoa học Công nghệ với tỷ lệ 0,64% GDP.
Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: Media Quốc hội
Hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.
Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện đã có 9 trường xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.
"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Một số ngành công nghệ Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó đoàn Ninh Bình) nêu thực tế để phát triển thị trường khoa học công nghệ, từ năm 2011 đến nay, Bộ máy quản lý nhà nước về khoa học công nghệ được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, nhiều chính sách đã ban hành song thị trường khoa học công nghệ còn hạn chế. "Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển và giải pháp căn cơ là gì?", bà chất vấn.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ đã ban hành nhiều quy định, thông tư thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ và mang lại nhiều kết quả, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào các ngành y tế, viễn thông, giao thông vận tải. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi ứng dụng.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh. Ảnh: Media Quốc hội
Dù vậy, có một số chính sách chưa phát huy tác dụng, tiếp cận doanh nghiệp khó, dịch vụ đi kèm chưa hiệu quả, ngân sách hạn hẹp. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn, đặc biệt thúc đẩy chương trình tìm kiếm chuyển giao làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Liên kết trường đại học và doanh nghiệp là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Phó đoàn Hưng Yên) nói việc việc này còn nhiều hạn chế. Ông đề nghị Bộ trưởng nêu biện pháp giải quyết vướng mắc.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng đây là vấn đề ông rất trăn trở. Trước đây, trường hoạt động theo trường, doanh nghiệp hoạt động theo doanh nghiệp mà chưa có sự kết nối hữu cơ và hiệu quả.Thời gian gần đây, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách, cơ chế để hai khu vực này xích lại gần nhau.
Với vai trò là bà đỡ, Nhà nước tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp và trường đại học cần nhau. Bộ đang đưa ra cơ chế, quy định và giải pháp để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, còn trường, viện là chủ thể nghiên cứu, tạo môi trường để hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Cao đẳng Lào Cai) cho rằng xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, xử lý hóa chất, phân bón trong thời gian qua đã gây bức xúc tại nhiều địa phương trên cả nước. Thủ tướng đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành để xử lý vấn đề này. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp cụ thể với các vấn đề như trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói năm 2021, tổng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện toàn quốc khoảng 16 tỷ tấn; đến cuối năm 2021 tổng lượng tro xỉ đã tiêu thụ khoảng 48,4 tỷ tấn. Tro xỉ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân nên Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp xử lý.
Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường đã bàn và đưa ra nhiều giải pháp, như tro xỉ được dùng làm vật liệu xây dựng, sản xuất bê tông, gạch không nung, vật liệu xây lắp. Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 15 tiêu chuẩn Việt Nam và một quy chuẩn liên quan đến tro xỉ để hạn chế phát thải tro xỉ vào môi trường.
Những năm qua, Bộ trình Thủ tướng ban hành danh mục, lộ trình, phương tiện, thiết bị năng lượng phải loại bỏ, trong đó có tổ máy nhiệt điện, tổ máy đốt than có hiệu suất thấp. Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu nguồn năng lượng mới bù đắp để khi giảm nhiệt điện than thì sẽ có nguồn năng lượng bổ sung.
Nguồn: VnEpress
lên đầu trang