Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:45

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:45

Chính sách

Cập nhật lúc 08:18 ngày 10/07/2023

Giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo vào thực tiễn đời sống, đây là xu hướng phát triển tất yếu.
Trong nhiều năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ở mỗi loại hình nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện đều đã đảm nhận vai trò và có đóng góp quan trọng của mình đối với nền kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nhiệt điện có nguy gây ô nhiễm, thủy điện đã được khai thác đến hạn, điện hạt nhân vẫn còn những nghi ngại an toàn thì việc nghiên cứu, bổ sung và dần thay thế nguồn nhiệt điện, thủy điện bằng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, sinh khối... là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam.
Tại nhiều quốc gia phát triển đã quan tâm và phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo từ khá sớm. Đơn cử như tại Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Pháp... năm 2014 năng lượng tái tạo được sử dụng chiếm khoảng 13,4% trên tổng năng lượng tiêu thụ.
Việt Nam là một trong các nước có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt... với điều kiện thuận lợi nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa, với bờ biển dài hơn 3.000 km.
Việt Nam cũng được xem là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền trung và miền nam của đất nước với tổng số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 1.400-3.000 giờ, cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày. Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Đặc biệt, số ngày nắng trung bình trên các tỉnh của miền Trung và miền Nam là khoảng 300 ngày/năm.
Trong giai đoạn 10 năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách để thu hút nhà đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể: Quan điểm phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của Việt Nam đã được đề cập trong Hiến pháp 2013 “Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo” (khoản 2, Điều 63).
Các Luật như: Luật Thuế bảo vệ môi trương năm 2010, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật điện lực năm 2012, Luật đất đai năm 2013, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật đầu tư năm 2014…; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; Quyết định số 879/QĐ-TTg, ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, với tầm nhìn đến năm 2035 đã đưa ngành năng lượng tái tạo vào lĩnh vực ưu tiên; Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018), Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 05/3/2020).
Những chính sách, pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý nhất định cho việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Bảo đảm cung cấp điện trong những năm gần đây để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện…
Tuy nhiên, do là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nên các quy định, chính sách, pháp luật vẫn còn chưa bao quát, chưa theo sát được các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: Chính sách tạo điều kiện phát triển công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo chưa được quan tâm; Chưa có cơ chế, hệ thống giao dịch các tín chỉ năng lượng tái tạo; Thủ tục cấp phép tương đối phức tạp và liên quan đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau; Các chính sách và hướng dẫn cụ thể liên quan đến tài chính và các cơ chế hỗ trợ đầu tư chưa được ban hành; Chưa có chính sách ổn định và cơ chế giá cụ thể cho loại hình năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi… Chưa có hướng dẫn về các dự án phát triển điện gió ngoài khơi kết hợp với sản xuất nhiên liệu điện phân (như: hydro, amoniac...).
Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đưa ra: Về quan điểm chỉ đạo: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Về mục tiêu cụ thể: Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.
Về nhiệm vụ và giải pháp: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế.
Đầu tư hiện đại hóa ngành điện từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện, có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo; nâng cao khả năng bảo đảm an ninh mạng lưới điện và chất lượng dịch vụ điện. Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.
Chính vì vậy, để giải quyết các vấn đề tồn tại nêu trên và có môi trường pháp lý đủ mạnh và ổn định để thu hút các nhà đầu tư phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong bối cảnh chung của toàn cầu sử dụng năng lượng sạch nhất thiết cần phải xây dựng Luật về phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị đã giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 Nhàn Lê - Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang