Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 00:12

Chủ nhật, 28/04/2024 | 00:12

Chính sách

Cập nhật lúc 10:30 ngày 27/07/2023

Thu hút và trọng dụng nhân tài

Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư năm 2019 đã chỉ rõ, một trong sáu giải pháp phát triển khoa học công nghệ thời kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh cần có chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh chia sẻ, truyền đạt kiến thức y khoa cho sinh viên. (Ảnh Trường đại học PHENIKAA)
Để thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, chúng ta cần có sự đột phá về chính sách với chiến lược và giải pháp phù hợp.
Thúc đẩy và kết nối các hoạt động hợp tác
Từng là một trong 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ với các nghiên cứu về công cụ chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer, Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh đã quyết định trở về Việt Nam làm giảng viên, Trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên ngành Khoa học y sinh Biomedical Science, Trường đại học Phenikaa.
Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh chia sẻ, với triết lý người Việt Nam hỗ trợ phát triển chất xám cho người Việt Nam và với sự đầu tư mạnh mẽ từ Tập đoàn Phenikaa, Trường đại học Phenikaa đã có sự chuyển mình ấn tượng những năm gần đây, trong đó nổi bật là những chính sách thu hút nhân tài, xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đề án xây dựng phòng thí nghiệm do Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh đề xuất đã nhanh chóng trở thành hiện thực với tên gọi Phòng thí nghiệm “Ứng dụng Khoa học y sinh và sinh học phân tử trong y học”, là nơi để các nhà khoa học phát triển các hợp tác trong và ngoài nước; đẩy mạnh các nghiên cứu có thể ứng dụng cho việc chẩn đoán sớm các bệnh cho người Việt. Trong thời gian sắp tới, Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh và các cộng sự ở đây sẽ triển khai các hợp tác quốc tế và trao đổi sinh viên nghiên cứu với các viện, các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư năm 2019 đã chỉ rõ, một trong sáu giải pháp phát triển khoa học công nghệ thời kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh cần có chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài.
Đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trước hết cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò của đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp phát triển của đất nước; hình thành mạng lưới kết nối đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, có chiến lược bài bản để thu hút và trọng dụng nhân tài, trong đó xác định các ngành mũi nhọn, quan trọng cần sớm tiếp cận với công nghệ hiện đại, có tính động lực giúp các ngành khác phát triển; xác định các khu vực địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có nhu cầu, dự án sử dụng chuyên gia; xác định số lượng chuyên gia cần thu hút và sử dụng và xây dựng các giải pháp về tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, lộ trình thực hiện.
Theo Tiến sĩ Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, cần tăng cường tiếp xúc, vận động, trao đổi, kết nối, tạo niềm tin, củng cố sự gắn kết giữa cộng đồng kiều bào với quê hương; xây dựng kế hoạch, xúc tiến công tác vận động thu hút đầu tư từ người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự án trọng điểm và các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; kết nối với một số vùng, quốc gia có nhiều kiều bào sinh sống để hỗ trợ doanh nghiệp thành phố tiếp cận, kết nối giao thương, hợp tác đầu tư kinh doanh, giới thiệu sản phẩm của địa phương ra nước ngoài…
Cần sự đột phá về chính sách
Theo các chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc phát huy nguồn lực trí thức Việt kiều hiệu quả chưa cao là do phần lớn các chính sách ưu đãi chưa có sự đột phá, chưa đủ hấp dẫn với các chuyên gia. Nhiều quy định, chính sách còn chung chung, các cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản hướng dẫn nên khó áp dụng trong thực tế.
Trong quá trình triển khai, xuất hiện một số “điểm nghẽn” như chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập với các nhà khoa học Việt kiều, quy trình và quy định xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hạn chế về kinh phí cũng là một trong những trở ngại.
Cần coi trọng hơn nữa công tác chủ động tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài đạt được nhiều thành tựu ở nước sở tại, qua đó động viên họ tích cực kết nối và hợp tác với các tổ chức trong nước, đóng góp cho sự phát triển của đất nước gián tiếp, từ xa, đồng thời thông qua họ kết nối với cộng đồng khoa học của nước sở tại, góp phần quan trọng trong xây dựng mối quan hệ hữu nghị với bạn bè thế giới.
Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Một số chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu mở rộng mô hình mời các chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia vào các ban/tổ tư vấn trong nước giúp Chính phủ, các bộ, ngành trong nghiên cứu để chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức quản lý, quy hoạch phát triển của các nước phát triển nhằm hoạch định chính sách kinh tế-xã hội của Việt Nam; nghiên cứu ban hành quy chế theo hướng mở rộng phân cấp và tăng tính tự chủ cho các đơn vị cơ sở của các cơ quan nghiên cứu khoa học, đào tạo, sản xuất, kinh doanh nhà nước có nhu cầu sử dụng chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài về làm việc.
Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới chính sách về đầu tư, cơ chế tiền lương và tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là cơ chế quản lý khoa học công nghệ theo thông lệ của các nước có nền khoa học công nghệ phát triển; trao quyền tự chủ, tự quyết mạnh hơn cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập và các nhà khoa học trong việc thu hút, hợp tác về khoa học công nghệ.
Chính phủ xem xét tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng nghiên cứu tiên tiến; tạo môi trường sống và làm việc thuận lợi cho cá nhân nhà khoa học và gia đình họ. Các bộ, ngành có liên quan, nhất là tài chính, kế hoạch và đầu tư, nội vụ… trên cơ sở thống nhất quan điểm khoa học công nghệ có vị trí quốc sách hàng đầu để có những đột phá cũng như phối hợp chặt chẽ với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nhân lực khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Từ Thành Huế, Trưởng Ban Đối ngoại-kiều bào (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, cần kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết đối với kiều bào; minh bạch hóa các thủ tục về xuất nhập cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương...; tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào; sớm hoàn thiện các quy định tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong nước, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tham gia hội tại Việt Nam hoặc tiếp tục hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi về thường trú tại Việt Nam...
Ông Huế cũng đề xuất việc cho phép các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp là trí thức kiều bào làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm dưới sự chủ trì của Nhà nước và các bộ, ban, ngành; giao nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp cho các trí thức kiều bào có tâm huyết và năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam...
Nguồn: Nhân dân
lên đầu trang