Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 03:23

Thứ sáu, 03/05/2024 | 03:23

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:22 ngày 13/09/2023

Đẩy mạnh liên kết viện, trường, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học

Trước nhu cầu, năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của doanh nghiệp ngày càng tăng cao, cần nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp đưa kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường là rất quan trọng.
Đẩy mạnh liên kết viện, trường, doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ, Việt Nam có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ và khoảng 77.000 bản ghi được thu thập về nguồn cung công nghệ. Cũng theo các số liệu khảo sát thì cả nước có khoảng 800 tổ chức trung gian, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ đã đi vào hoạt động, 1 sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc Bộ, 1 sàn giao dịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập. Tuy nhiên, số lượng cũng như chất lượng các tổ chức trung gian này chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của thị trường KH-CN.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN, cần quan tâm đến hai chủ thể cung - cầu; đẩy mạnh mối liên kết viện, trường với doanh nghiệp. Việc hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp theo cơ chế đặt hàng ngay từ đầu sẽ cho ra những công nghệ ứng dụng ngay, sát nhu cầu thực tế.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang triển khai các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia để nâng cao năng lực nghiên cứu của các viện, các trường, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp. Tăng cường năng lực các sàn giao dịch công nghệ quốc gia theo chiều sâu. Đồng thời, cần mạnh dạn trao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho viện, trường, tổ chức nghiên cứu để khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Đặc biệt, trước nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc khuyến khích sự phát triển thị trường KH-CN nói chung và sự phát triển các cấu phần tạo nên thị trường KH-CN nói riêng là rất quan trọng. Vai trò này tập trung vào các khâu: Khơi thông nguồn cung, gỡ bỏ các trở ngại về thông tin, giảm thiểu chi phí giao dịch trong mua bán hàng hóa KH-CN, tạo dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường cũng như việc hỗ trợ phát triển và chứng nhận các tổ chức thẩm định, định giá, tư vấn chuyển giao công nghệ…
Liên quan tới vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thị trường KH-CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Theo đó, nhận thức về thị trường KH-CN cần nâng cao; tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KH-CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường KH-CN quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, thị trường KH-CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội trong phát triển thị trường KH-CN.
Đồng thời, xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác công tư và nghiên cứu của tư nhân vào sản xuất, kinh doanh; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái, thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, toàn diện hơn nữa.
Nguồn: daibieunhandan.vn
lên đầu trang