Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 04:11

Thứ tư, 01/05/2024 | 04:11

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:08 ngày 09/10/2023

Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững

Khoa học công nghệ được xác định là động lực quan trọng để doanh nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung phát triển bền vững. Nhận thức rõ điều này, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đã luôn chủ động đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu để ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu ngân sách nhà nước, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.
Hằng năm, tại Quảng Ninh, lượng đất, đá từ các mỏ khai thác than là rất lớn. Điều này không chỉ gây ra nguy cơ về sạt lở khi mưa bão mà còn ảnh hưởng tới môi trường. Nhằm thay thế cho nguồn cát tự nhiên bằng chế biến cát nhân tạo tận dụng đất đá thải từ các mỏ khai thác than, Công ty CP Thiên Nam là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh đầu tư dây chuyền nghiền, chế biến, sản xuất sản phẩm cát nhân tạo với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng.
Sản phẩm cát nhân tạo của Công ty CP Thiên Nam.
Sản phẩm cát nhân tạo của Công ty đã được cấp chứng nhận đạt Quy chuẩn Việt Nam, chứng nhận hợp quy sản phẩm và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Đến nay, cát nhân tạo của Công ty đã được cung cấp làm vật liệu xây dựng cho nhiều dự án trọng điểm trong và ngoài tỉnh. Đây là giải pháp quan trọng trọng việc tận dụng các chất thải trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các bãi thải, hạn chế khai thác cát lòng sông gây sạt lở, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng cát xây dựng của Việt Nam ngày một tăng cao như hiện nay. 
Ông Vũ Đình Kiên, Giám đốc Công ty CP Thiên Nam, TP Cẩm Phả cho biết: Thời gian tới, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng thêm 1 nhà máy để nâng công suất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hạ độ cao bãi thải, góp phần bảo vệ môi trường bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Máy tiệt trùng sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thuỷ sản Quảng Ninh.
Cùng với việc không ngừng sáng tạo để cho ra những sản phẩm mới, chất lượng, hiệu quả, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đầu tư cải tiến, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất, nâng cao vị thế cạnh tranh. Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thuỷ sản Quảng Ninh là một trong số đơn vị tham gia chương trình OCOP đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh. Nhiều năm nay, Công ty đã áp dụng công nghệ trong chế biến với máy xào tự động, máy tiệt trùng tự động ở nhiệt độ 121°C, trong 45 phút đảm bảo giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, kéo dài thời gian bảo quản, máy dập ngày sản xuất điện tử. Thêm vào đó, toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm đều được thực hiện 1 chiều, tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ này giúp đơn vị sản xuất ra sản phẩm ruốc hàu, ruốc tôm, ruốc cá, ruốc tép, bánh phồng hàu… giữ được chất lượng tốt nhất. Riêng sản phẩm ruốc Hàu Thái Bình Dương và Ruốc cơ trai được chứng nhận xếp hạng OCOP 4 sao. Công ty cũng đang từng bước xây dựng một số sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Bà Vũ Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thuỷ sản Quảng Ninh, cho biết: Việc ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tất yếu để phát triển. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phấn đấu xây dựng một số sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, cũng như, đảm bảo điều kiện, tiêu chí, quy định xuất khẩu.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Với quan điểm công nghệ phải đi trước một bước để dẫn dắt các ngành, lĩnh vực phát triển, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; đến năm 2025, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp khoảng 2 lần, đến năm 2030 tăng gấp 4 lần so với năm 2020.
Ông Phạm Văn Đài, Giám đốc Sở KHCN Quảng Ninh, cho biết: Để đạt mục tiêu của Nghị quyết 13-NQ/TU đã đề ra, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện tiêu chí doanh nghiệp khoa học công nghệ, khuyến khích thành lập quỹ khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo tại mỗi doanh nghiệp, tham mưu đề xuất các giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
Nguồn: Báo Quảng Ninh

lên đầu trang