Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 12/05/2024 | 20:22

Chủ nhật, 12/05/2024 | 20:22

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:11 ngày 05/05/2023

Hóa học và kỹ thuật hóa học vì sự phát triển bền vững

Đó là nội dung của buổi Hội thảo khoa học và công nghệ Quốc gia được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong tháng 4 vừa qua.
Toàn cảnh buổi Hội thảo (Ảnh: haui.edu.vn/)
Theo đó, Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) trong lĩnh vực hóa học cũng như thảo luận, công bố, chia sẻ các kết quả NCKH của cá nhân, tổ chức đến cộng đồng khoa học và các đối tác trong và ngoài nước, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các ý tưởng, các nghiên cứu mới.
Mở đầu buổi Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) đã thay mặt Ban Tổ chức tiến hành phát biểu khai mạc. Đại diện nhà trường bày tỏ sự vui mừng khi được chào đón các thầy/cô giáo, các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đã đến tham dự Hội thảo với tinh thần hăng say, phấn khởi, qua đó góp phần tạo nên không khí tích cực và niềm vinh dự cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khi được đăng cai tổ chức chương trình. Với sự nhiệt huyết cùng những quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, đại diện HaUI khẳng định nhà trường sẽ có những đóng góp tích cực để góp phần làm nên thành công của buổi Hội thảo.
PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo (Ảnh: haui.edu.vn/)
Sau những chia sẻ của PGS.TS. Phạm Văn Bổng, Hội nghị đã chính thức được khai mạc. Tại phiên toàn thể, các đại biểu sẽ được nghe lần lượt những chia sẻ, bài tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực hóa học và kỹ thuật hóa học như: Báo cáo “Rác thải đại dương và vùng Duyên Hải: Hiểm hoạ ô nhiễm vi nhựa và thách thức toàn cầu” của GS.TS. Phạm Hùng Việt - Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; Báo cáo "Hợp chất thiên nhiên - Tiềm năng khai thác và ứng dụng” do PGS.TS. Phạm Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên trình bày.
GS.TS. Phạm Hùng Việt, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững, Trường ĐH KHTN- ĐHQG HN trình bày báo cáo: Rác thải đại dương và vùng duyên hải: hiểm hoạ ô nhiễm vi nhựa và thách thức toàn cầu. (Ảnh: haui.edu.vn/)
Kế tiếp phiên toàn thể là các hoạt động trình bày theo chuyên đề, được chia thành 02 phân ban gồm: Kỹ thuật Hóa học và Môi trường & Công nghệ Thực phẩm để các nhà khoa học trực tiếp trình bày các kết quả nghiên cứu của mình. Cụ thể: 
(1) PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Khoa Công nghệ hóa, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trình bày nghiên cứu "Ảnh hưởng của cốt sợi tự nhiên đến khả năng bắt lửa của vật liệu composite sinh học cho các ứng dụng kết cấu".
(2) PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày nghiên cứu "Truy xuất và xác thực nguồn gốc: Một số kỹ thuật ứng dụng trong thực phẩm".
(3) PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Vân - Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên trình bày nghiên cứu "Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây Trà hoa vàng nhằm tìm kiếm các hoạt chất định hướng ứng dụng trong Y - Dược".
(4) PGS.TS. Nguyễn Trung Dũng, Khoa Hóa - Lý kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc Phòng trình bày nghiên cứu "Xúc tác dị thể: Tổng hợp và ứng dụng phân hủy chất ô nhiễm hữu cơ trong nước".
(5) TS. Đào Văn Dương - Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Phenikia trình bày nghiên cứu "Công nghệ năng lượng mặt trời cho sự phát triển bền vững".
(6) TS. Trần Đăng Thuần - Trưởng phòng Công nghệ Hoá sinh, Viện Hoá học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày nghiên cứu "Thu hồi sinh khối Chlorella bằng các hạt nano từ tính".
(7) TS. Nguyễn Thuý Chinh - Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày nghiên cứu "Ứng dụng một số polime thiên nhiên trong lĩnh vực y sinh".
(8) TS. Vũ Đình Giáp - Viện HaUI - Đại học Công nghiệp Hà Nội trình bày nghiên cứu "Nghiên cứu tách chiết hoạt chất sinh học từ củ cải đỏ (Beta vulgaris var.rubra) có sự hỗ trợ enzyme thủy phân và đánh giá hoạt tính sinh học từ cao chiết thành phẩm".
Song song với quá trình thực hiện báo cáo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tại các phiên thảo luận chuyên đề còn diễn ra hoạt động hỏi đáp giữa khách mời và chuyên gia, qua đó giúp làm sáng tỏ thêm một số thông tin của các nghiên cứu cũng như mở ra hướng phát triển rõ ràng, thực chất hơn của ngành Hóa học và Kỹ thuật hóa học.
Hội thảo “Hóa học và kỹ thuật hóa học vì sự phát triển bền vững” diễn ra thành công tốt đẹp, giúp khẳng định vị thế và chất lượng nghiên cứu của khoa Công nghệ Hóa, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập đơn vị. 
Được thành lập từ năm 2003, Khoa Công nghệ Hóa là một trong những thành viên còn khá non trẻ so với bề dày 125 năm truyền thống của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, đơn vị lại có những bước phát triển nhanh chóng cả về chất và lượng, với đội ngũ giảng viên trình độ cao với gần 70% có học hàm PGS, học vị TS, luôn đam mê, nhiệt huyết với nghề, với NCKH. Do đó, việc tổ chức thành công Hội thảo “Hóa học và kỹ thuật hóa học vì sự phát triển bền vững” đã góp phần khẳng định vị thế và chất lượng nghiên cứu của khoa Công nghệ Hóa, hướng tới mục tiêu đưa khoa Công nghệ Hóa - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội  trở thành một trong những đơn vị hàng đầu tại miền Bắc cũng như Việt Nam trong việc đào tạo, phát triển nhân lực và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực hóa học và kỹ thuật hóa học.
Quang Ngọc

lên đầu trang