Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:19

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:19

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 11:03 ngày 25/10/2023

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các yêu cầu kỹ thuật thi công và nghiệm thu hồ thải quặng đuôi

Vấn đề quản lý an toàn hồ thải quặng đuôi cần phải được đầu tư nghiên cứu đúng mức, cả trên lĩnh vực pháp lý và kỹ thuật vận hành, trách nhiệm của doanh nghiệp khi xảy ra sự cố.
Ngành khai thác chế biến khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều sự cố môi trường nhất và các sự cố đã xảy ra ở hầu hết các quốc gia có hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Các sự cố môi trường trong ngành chế biến khoáng sản thế giới chủ yếu liên quan đến các đập/hồ thải chứa quặng đuôi từ chế biến các loại khoáng sản khác nhau. Hậu quả là thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của dân sống quanh khu vực.
Tại Việt Nam, từ 2014 đến nay đã xảy ra 4 vụ vỡ đập lớn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, năm 2018, vụ vỡ hồ chứa nước thải Xưởng chế biến tận thu kim loại và xử lý môi trường của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đã khiến vườn tược của hàng trăm hộ dân ô nhiễm. Các vụ vỡ đập này không gây thiệt hại về người, tuy nhiên đều ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, nhà cửa của người dân quanh khu vực.
Từ thực tế nêu trên, có thể thấy rằng, vấn đề quản lý an toàn hồ thải quặng đuôi cần phải được đầu tư nghiên cứu đúng mức. Do đó, Viện khoa học và công nghệ mỏ - luyện kim (VIMLUKI) đã được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng các yêu cầu kỹ thuật thi công và nghiệm thu hồ thải quặng đuôi”. Đây là đề tài cấp Nhà nước do KS. Hoàng Thị Xuân (VIMLUKI) làm chủ nhiệm.
Vỡ hồ chứa nước thải quặng đuôi tại Quảng Nam (Ảnh: Báo TNMT)
Đề tài được thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu, thống nhất các tiêu chuẩn, tóm tắt, đánh giá sự phù hợp và tiếp thu các kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, từ đó đề xuất yêu cầu kỹ thuật trong thi công, nghiệm thu hồ thải quặng đuôi và xây dựng được Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về thi công, nghiệm thu hồ thải quặng đuôi.
Để thực hiện đề tài, nhóm tác giả tiến hành đánh giá thực trạng thi công và nghiệm thu của một số hồ thải quặng đuôi điển hình trong nước. Xây dựng các yêu cầu kỹ thuật thi công và nghiệm thu hồ thải quặng đuôi, bao gồm: yêu cầu chung trong thi công, nghiệm thu hồ thải quặng đuôi; nghiệm thu đập thải; nghiệm thu các bộ phận thoát nước; nghiệm thu đường ống; nghiệm thu trạm bơm; nghiệm thu các bộ phận lót chống thấm. Trên cơ sở đó, xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về thi công hồ thải quặng đuôi và xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về nghiệm thu hồ thải quặng đuôi.
Đặc trưng của hồ thải quặng đuôi là quá trình vận hành có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thi công và an toàn của toàn bộ hệ thống hồ thải (Ảnh: lawnet.vn)
Theo đánh giá, việc thi công nghiệm thu công trình hồ thải là giai đoạn quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của hồ thải khi đi vào hoạt động. Để đảm bảo xây dựng được hồ thải đáp ứng tối đa yêu cầu thiết kế, đảm bảo an toàn và phục vụ vận hành trơn tru, quá trình thi công, nghiệm thu hồ thải phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật xây dựng từ công tác đến hạng mục và giai đoạn thi công.
Để xây dựng được hồ thải an toàn mà vẫn đảm bảo tính kinh tế, cần thực hiện tốt hai việc, thứ nhất là tận dụng tối đa các vật liệu sẵn có của mỏ như quặng đuôi, đá thải làm vật liệu xây dựng, thứ hai là thiết kế phương án thải và vận hành phù hợp để tận dụng được nền quặng đuôi làm nền của giai đoạn tiếp theo.
Quá trình nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng hồ thải quặng đuôi cho thấy việc tái sử dụng quặng đuôi và đá thải làm vật liệu đắp đập là một trong những biện pháp có thể được sử dụng để giảm khối lượng và giá thành thi công. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu sâu hơn về cấp phối trộn giữa quặng đuôi và đất đá thải từ công tác khai mỏ; nghiên cứu sâu về tính chất của quặng đuôi để làm nền móng và vật liệu xây dựng. Sau quá trình thi công, hồ thải quặng đuôi sẽ đi vào giai đoạn vận hành. 
Sau một năm nghiên cứu, đề tài đã hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng tiến độ và chất lượng theo thuyết minh được phê duyệt. Đề tài đã xây dựng được “Yêu cầu kỹ thuật thi công và nghiệm thu hồ thải quặng đuôi”; dự thảo Tiêu chuẩn “Hồ thải quặng đuôi - Yêu cầu thi công”; và “Hồ thải quặng đuôi - Yêu cầu nghiệm thu” cho hồ thải với 5 hạng mục công trình: đập thải, bộ phận thoát nước, đường ống, trạm bơm, lót chống thấm.
Trong thời gian tới, nhóm tác giả kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiệm vụ để xây dựng được bộ tiêu chuẩn từ thiết kế, thi công đến vận hành hồ thải quặng đuôi cũng như bổ sung các nghiên cứu sâu để tái sử dụng quặng đuôi, đá thải để giảm thiểu khối lượng thải, tận dụng được vật liệu sẵn có của mỏ, cũng như giảm thiểu tối đa chi phí xây dựng hồ thải.
Theo tài liệu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cả nước hiện có 120 hồ thải quặng đuôi với 109 đập chắn bãi thải thuộc 59 doanh nghiệp tuyển quặng đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố. Trong số 59 doanh nghiệp tuyển quặng có 31 doanh nghiệp tuyển quặng sắt, 15 doanh nghiệp tuyển quặng chì - kẽm, 6 doanh nghiệp tuyển quặng thiếc, 4 doanh nghiệp tuyển quặng đồng, 1 doanh nghiệp tuyển quặng apatit, 2 doanh nghiệp tuyển quặng bô-xít.
Đa số các hồ, đập quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía bắc. Ước tính số lượng hồ thải trên 04 tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai đã chiếm trên 50% tổng số hồ thải quặng đuôi trên cả nước trong đó Bắc Kạn là địa phương có nhiều hồ đập quặng đuôi nhất với 21 hồ chứa. Các hồ chứa có dung tích đa dạng từ vài chục nghìn đến hàng triệu m3 tuỳ thuộc vào công suất khai thác trong đó đa số các hồ chứa có dung tích vài trăm m3
Minh Khuê
lên đầu trang