Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:10

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:10

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:44 ngày 27/11/2023

Khoa học và công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt trong giai đoạn 2019 - 2023, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước nhờ sự đóng góp của khoa học và công nghệ. Đây là đánh giá của các địa phương và nhà khoa học tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Tạo bước đột phá phát triển kinh tế
Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng và lớn nhất cả nước, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN và ĐMST) của khu vực phía Nam, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nhóm ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao và trung bình cao tăng bình quân khoảng 10%/năm. Theo thống kê năm 2020, vùng Đông Nam Bộ đóng góp 32% GDP của cả nước, chiếm 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2021 đạt 30% và chiếm khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2022 đạt 30,8% cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh đạt 63,7 tỷ USD. Bình Dương đạt trên 19,1 tỷ USD; Đồng Nai đạt 18,6 tỷ USD… GDP bình quân đầu người toàn vùng đạt 6.900 USD, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh: Kết quả, thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Bình Dương đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ. Đặc biệt, việc gia tăng ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, hoạt động sản xuất công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới ứng dụng công nghệ trong xây dựng, y tế và các ngành dịch vụ…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho rằng, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, thành phố xác định định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào KH-CN và ĐMST và đã đạt được những chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, nước xếp thứ 3 ở Đông Nam châu Á có hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tốt, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập niên qua. Thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của vùng Đông Nam Bộ.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban khó học và công nghệ vùng Đông Nam Bộ
Lấy KH-CN và ĐMST, kinh tế số, kinh tế xanh… làm trọng tâm
Mặc dù có những đóng góp như vậy, nhưng các địa phương cho rằng để KH-CN và ĐMST bứt phá vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Đặc biệt, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN, chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm cho KH-CN và ĐMST còn yếu, chưa thật sự thông thoáng.
Đơn cử, Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28.6.2016 hướng dẫn về nội dung chi và quản lý “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” của doanh nghiệp. Đến bây giờ gần 7 năm trôi qua số doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi này khoảng 1% số doanh nghiệp đang hoạt động, vì khó áp dụng, thủ tục giải trình phức tạp. Ngoài ra, cơ chế chính sách đãi ngộ cho các chuyên gia, nhà khoa học chưa thật sự hấp dẫn, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường nước ngoài.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, lĩnh vực KH-CN vùng Đông Nam bộ cần thiết phải tổng kết, đánh giá và nhìn nhận lại. KH-CN có thực sự là động lực, là nền tảng cho phát triển KT - XH, sự đồng bộ giữa pháp luật và thực thi, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH-CN.
Thứ trưởng (Bộ Khoa học Công nghệ) Lê Xuân Định đề nghị trong thời gian tới, các địa phương cần có những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường đầu tư cho KH-CN, không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, gắn với doanh nghiệp - nơi chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa. Tăng cường liên kết viện - trường và doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia. Đặc biệt, các địa phương trong vùng cần tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, lấy KH-CN và ĐMST, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm, hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá kinh tế địa phương theo hướng hiện đại. Đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ sạch, xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, của vùng theo chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị; tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho KH-CN và ĐMST. Ngành khoa học và công nghệ cần thu hút đội ngũ nhà nghiên cứu tài năng trong và ngoài nước hợp tác, hỗ trợ giải các bài toán thách thức của vùng.
Nguồn: daibieunhandan.vn
lên đầu trang