Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 17:03

Thứ năm, 02/05/2024 | 17:03

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:12 ngày 23/11/2023

Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số ngành Công Thương

Trong khuôn khổ Diễn đàn Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề “Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đối số ngành Công Thương”. Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và cập nhập những xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số.
Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 21/11/2023 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương; các đại diện đến từ các Bộ, Ban ngành từ trung ương đến địa phương; các doanh nghiệp; các hiệp hội; các trường đại học; các cơ quan thông tấn báo chí và truyền hình.
Hội thảo “Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số ngành Công Thương”  là một trong rất nhiều sự kiện mà Bộ Công Thương tổ chức nhằm kết nối, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách và các doanh nghiệp ngành Công Thương, đơn vị tư vấn, cung cấp công nghệ và giải pháp; từ đó hình thành một cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh tại doanh nghiệp.trong thời gian tới.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: “Chuyển đổi số đã mang lại cho các doanh nghiệp những hiệu quả không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số vào thực tiễn sản xuất kinh doanh giúp các doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ còn đem đến các cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời đại mới.”
Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những nội dung hấp dẫn về hiệu quả chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành lưới điện; Quản trị, kết nối và chia sẻ dữ liệu ngành sản xuất; Kinh nghiệm áp dụng sản xuất thông minh; An toàn, an ninh thông tin trong Chuyển đổi số ngành Công Thương; Tận dụng sức mạnh của dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) trong thúc đẩy kinh tế số. Hai trong số các nội dung được trình bày tại Hội thảo đến từ hai doanh nghiệp lớn thuộc ngành Công Thương là Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây là hai doanh nghiệp đã thu được nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện chuyển đổi.
Các diễn giả chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu đóng góp những ý kiến quan điểm thẳng thắn về những khó khăn, thách thức và triển vọng của chuyển đổi số ngành Công Thương. Những chia sẻ, ý kiến đóng góp này cung cấp những góc nhìn chân thực, hết sức sâu sắc về những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp ngành Công Thương phải đối mặt trên con đường tiến tới một nền sản xuất thông minh, hiện đại. Đồng thời, đã gợi ý những sáng kiến, giải pháp cho Bộ Công Thương cũng như cộng đồng doanh nghiệp
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương khẳng định, ứng dụng công nghệ 4.0 với cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ quá trình chuyển đổi số để tiến tới sản xuất thông minh là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam. Nếu như lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử đang có sự chuyển mình mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội, đẩy nhanh quá trình phát triển trong xu hướng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ từ Cuộc Cách mạng lần thứ tư thì trong khu vực sản xuất vẫn là những bước đi có phần chậm chạp.
Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ phát biểu kết luận Hội thảo
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và từng bước phát triển sản xuất thông minh, các giải pháp đưa ra cần giải quyết được những thách thức nội tại, đồng thời, phải tạo ra môi trường và những đòn bẩy phù hợp. Trong đó, cần ưu tiên cho các nhóm giải pháp bao gồm: Giải pháp tác động đến các yếu tố, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; Giải pháp tác động tới các yếu tố hỗ trợ, tác động trực tiếp tới các năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; Giải pháp tác động tới yếu tố môi trường chung.", ông Trần Minh cho biết thêm.
Đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ đặt câu hỏi tại Hội thảo
Đại diện Bộ Công Thương cũng bày tỏ kỳ vọng, thành công của Hội thảo sẽ mở ra những cơ hội trao đổi, hợp tác cụ thể giữa các doanh nghiệp, tạo sự kết nối chặt chẽ của các doanh nghiệp, đơn vị với hoạt động triển khai của Bộ Công Thương hướng tới mục tiêu xây dựng một nền sản xuất ngày càng tiên tiến, hiện đại.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã giao các đơn vị chức năng như Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Dầu khí và Than, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số .v.v. chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh.
Bộ Công Thương đã tiến hành đánh giá toàn diện mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong tiếp cận với công nghiệp 4.0; đồng thời xem xét tới tốc độ phát triển và ứng dụng của các công nghệ mới trên thế giới, đặc biệt sau giai đoạn Covid19 vừa qua, với nhiều thay đổi trong xu thế phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu, phương thức hoạt động của từng doanh nghiệp, để đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030.
Minh Khuê



lên đầu trang